Hội trường Cục Văn hoá Thông tin cơ sở hôm nay đông một cách bất ngờ chủ yếu vì tâm lý mọi người muốn đi xem một nhạc cụ có nhiều điểm độc đáo, trước hết là trong dáng vẻ. Giữa sân khấu, cây Lạc cầm 16 đứng nghiêng nghiêng trên một đôi chân mảnh dẻ, yêu kiều, cao trên dưới 1m. Có miếng gỗ ốp che phía trước 12 giây giống như đàn tranh và 15 phím cùng 30 giây giống như của piano. Mặt trước tấm gỗ này, mà tổng thể cách điệu hình thuyền, khắc nổi hình một đàn chim Lạc, một con Rồng uốn lượn bên trên đỉnh Tháp Rùa. Một đầu của tấm gỗ đó mọc ra một cái đầu chim Lạc cỡ lớn, mỏ quay lại phía sau. Ngay phía trên tấm gỗ là một thân tre đằng ngà, một đầu cong vút lên như cần đàn bầu, cách điệu hình nỏ thần An Dương Vương. Có phần duyên dáng, oai phong là một thanh gỗ giống cần ghi ta nằm tạo một góc 45 độ so với mặt đàn. Lạc cầm 16 trong buổi sáng hôm nay đã phục vụ khán giả từ những âm điệu dân ca của bài Đi cấy, qua các bài hát tiền chiến (Bài ca hy vọng), đương đại và tiến tới cả nhạc phương Tây (một bản nhạc vui nhộn của Nga). 3 nhạc công chụm đầu bên một Lạc cầm!
Lạc cầm 16 nổi tiếng còn vì cái tiểu sử nửa thế kỷ nghiên cứu sáng tạo của tác giả của nó. Cũng bởi cây Lạc cầm hệ 15 đã được nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Nhà nước VN. Tuy nhiên, một nhạc cụ mới ra đời không dễ gì được đông đảo công chúng chấp nhận ngay, nhất là khi, vượt lên trên Lạc cầm từ 1 đến 14 được coi chỉ là một sản phẩm cải tiến, đến Lạc cầm 15 và nhất là 16, Nhạc sỹ Mác Tuyên và bạn bè ông đã nhất định khẳng định đó đích thị là một nhạc cụ hoàn toàn mới, lần đầu tiên được phát minh. Để làm rõ những băn khoăn này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Nhạc sỹ Mác Tuyên và GS Hoàng Chương (GĐ TT nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc) - một trong những người chia sẻ và đỡ đầu cho sự ra đời của Lạc cầm 16.
- Xin GS cho biết đăc trưng âm nhạc của Lạc cầm 16? Nó đáp ứng được những khuyết thiếu nào ở các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, để có thể trở thành một nhạc cụ mới?
- GS. Hoàng Chương: Trong Lạc cầm 16 có 4 nhạc cụ, nhưng âm thanh của mỗi nhạc cụ đã khác: Thường là vang hơn, to hơn. Ví dụ, đàn tam thập lục bình thường nghe không mạnh bằng ở Lạc cầm 16; đó là vì ở đây tam thập lục có được sự cộng hưởng với piano. Một đàn tam thập lục không thể đệm cho một dàn đồng ca được, nhưng ở Lạc cầm 16 thì có thể, vì sức nhấn của nó rất mạnh, tam thập lục chỉ có thể đánh một lúc một ngón (một thanh gõ gõ vào một dây), nhưng Lạc cầm 16 thì có thể đánh một lúc 10 ngón. Như vậy đóng góp của nó là làm phong phú cho nền âm nhạc VN. Thuận lợi về mặt vật chất là Lạc cầm 16 có thể cùng lúc thay cho 4 cây đàn riêng lẻ và xong việc có thể gấp gọn lại. Đó cũng là một thành công, một đóng góp lớn cho nền âm nhạc dân tộc. Hơn nữa, trong kho tàng âm nhạc của chúng ta, các nhạc cụ thường là đơn giản. Ít ai đi... xem một cây đàn! Nhưng đến Lạc cầm, người ta có thể nhìn ngắm như một cây nhạc cụ lạ, độc đáo. Đó là một đóng góp về mặt mỹ thuật.
- Xin tác giả nói cụ thể hơn về những điểm mới và đóng góp của Lạc cầm 16?
- NS Mác Tuyên: Phía trên cùng là đàn phím lõm. Đàn này gốc ở Tây Ban Nha, khi về VN, người Việt đã làm lõm phím để thể hiện những rung nhấn âm sắc, ngôn ngữ của dân tộc mình. Đến tôi thì đàn phím lõm không còn hộp cộng hưởng như đàn ghita nữa. Thay vào đó, tôi lấy gỗ gáo vàng khoét rỗng rồi lồng vào đó một thanh Inox để cộng hưởng. Chưa có ai có sáng tạo kết hợp mộc với kim để tạo ra âm thanh và âm nhạc như trường hợp Lạc cầm 16. Kết quả là âm thanh của đàn trong hơn, to hơn, ngọt hơn ghita thùng nguyên thuỷ của người Tây Ban Nha, mà cũng chẳng giống âm thanh của đàn ghita phím lõm của người Việt lâu nay.
Để mở rộng âm vực phụ trợ đắc lực cho hệ phím bấm 30 dây - hai bát độ chủ điệu của Lạc cầm 16, tôi khai thác thêm âm sắc của một số đàn dân tộc: 12 dây âm sắc đàn tranh, 6 dây âm sắc đàn phím lõm và 1 dây âm sắc đàn bầu. 12 giây đàn tranh khi được diễn tấu sẽ làm "ra" âm sắc đàn tranh nhưng lảnh lót hơn, lạ tai hơn; 15 phím nẩy khi bị gõ, sẽ đẩy một búa đập vào 30 giây đàn, phương thức đánh thì như piano, nhưng tạo ra âm sắc không giống piano, nghe rất lạ tai. Tổng cộng Lạc cầm 16 có 49 dây, riêng số dây này cũng là độc đáo không đâu có.
Tóm lại, Lạc cầm 16 được chế tác theo nguyên tắc cộng hưởng mộc và kim. Nó thoát ly hoàn toàn Rôbốt điện tử, mà chỉ sử dụng một bộ phận đơn giản để khuếch đại âm thanh. Lạc cầm 16 đủ điều kiện độc tấu, song tấu và tam tấu, tuỳ theo tác phẩm âm nhạc và khả năng phối khí của soạn giả, kể cả các hoà thanh phức điệu ở mỗi tác phẩm âm nhạc.
- Lạc cầm 16 có phải là sự ghép giữa một số cây đàn (bầu, tranh, tam thập lục, ghita, piano) thành một cây đàn cồng kềnh và làm vướng víu mất tự nhiên cho người diễn tấu, vì cả ba người phải xúm lại một chỗ để chơi? Xem Lạc cầm biểu diễn, nhiều khán giả bảo, thế sao không tách bốn cây đàn ra bốn chỗ riêng rẽ, để người diễn tấu thoải mái thể hiện? Nhạc sỹ nghĩ sao về điều này?
- NS Mác Tuyên: Lạc cầm 16 được thiết chế liên hoàn trên cơ sở khai thác âm sắc cổ truyền dân tộc của các nhạc cụ truyền thống. Riêng dấu ấn của piano ở Lạc cầm 16, xin nói rằng, tôi chỉ học ở piano nguyên lý hoạt động cơ bản (nguyên lý đòn bẩy) của cây đàn phương Tây này, chứ không phải tôi ghép nguyên đàn piano vào đây. Lạc cầm 16 không phải là đàn ghép!
- Một nhạc cụ chỉ thực sự có đời sống nếu nó được xuất hiện trước công chúng, trên các sàn diễn. Lạc cầm 15 đã được công bố và được nhận Huân chương Lao động hạng 3 nhưng sau đó không hề thấy xuất hiện trong các sinh hoạt âm nhạc cổ truyền có đông đảo công chúng?
- NS Mác Tuyên: Lạc cầm 15 đã được công bố nhưng còn có những khiếm khuyết của nó. Nó chưa bằng Lạc cầm 16 nên chưa được phổ biến rộng rãi. Tác giả đã tặng cho một đoàn nhạc quân đội, họ vẫn sử dụng được nhưng chỉ trong phạm vi đơn vị họ. Còn Lạc cầm 16 hy vọng sẽ gánh vác một nhiệm vụ lớn hơn, vì nó đã mang đầy đủ các chức năng hoàn thiện.
- Sắp tới Lạc cầm 16 sẽ đi đâu và có phải sửa chữa, cải tiến gì nữa?
- GS. Hoàng Chương: Sắp tới chúng tôi mang Lạc cầm 16 đi giới thiệu ở các trường đại học, các thành phố lớn trong cả nước. Đưa cây đàn đi thì dễ nhưng cái khó là đội ngũ biểu diễn minh hoạ. Không thể mang một đội ngũ cơ động đi được. Trong khi đó, thật là bất tiện nếu đến mỗi địa điểm lại dừng lại đó cả một hai chục ngày để đi kiếm người và dạy họ biểu diễn. Các nhạc công trong buổi ra mắt hôm nay đã học 7 năm trường nhạc, vậy mà vẫn phải tập luyện miệt mài cả chục ngày mới có thể thể tương đối nhuần nhuyễn được.
- NS Mác Tuyên: Lạc cầm 16 là hoàn thiện trong hệ Lạc cầm, tôi không có ý định sửa chữa gì thêm.
- Được biết một số tổ chức nước ngoài đã sớm ngỏ ý mua Lạc cầm 16, thực hư của việc này ra sao?
- GS. Hoàng Chương: Một số tổ chức văn hoá của Anh và Mỹ ngỏ ý mua lại cây Lạc Cầm 16, có nơi trả giá 400.000 USD. Nhưng họ đòi mua cả bản quyền, mà cây đàn này lại chưa được nhân bản và thậm chí chưa đăng ký bản quyền ở trong nước. Chúng tôi đề nghị không nên bán, vì bán đi nghĩa là bán một gia sản của chúng ta khi nó còn chưa được phục vụ rộng rãi trong nhân dân hoặc nhân bản để giữ lại.
- Xin cảm ơn Nhạc sỹ và GS Hoàng Chương!