Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
371
123.288.190

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hoành tráng như Tây Sơn hào kiệt
Chỉ với những con số đạo cụ sử dụng cho bộ phim sắp bấm máy Tây Sơn hào kiệt (100 voi chiến, 100 ngựa chiến, hàng chục ngàn bộ trang phục, binh khí các loại...), cũng đủ thấy tính quy mô chưa từng có trong lịch sử phim cổ trang VN .

Nếu không có gì thay đổi, ngày 7-3, bộ phim nhựa đề tài lịch sử cổ trang Tây Sơn hào kiệt (kịch bản Phạm Thùy Nhân; đạo diễn NSƯT Lý Huỳnh, Lý Hùng và Phượng Hoàng), do Hãng phim Lý Huỳnh phối hợp với Hội Điện ảnh TPHCM và Công ty Hải Đăng sản xuất, sẽ bấm máy những thước phim đầu tiên. Đây được xem là bộ phim lịch sử cổ trang có quy mô lớn và hoành tráng nhất VN từ trước đến nay.

 

Huy động nguồn lực

 

Tây Sơn hào kiệt là câu chuyện về những hào kiệt áo vải Tây Sơn, trong đó nổi bật nhất là người anh hùng Quang Trung- Nguyễn Huệ. Phim dài khoảng 120 phút nên chỉ khai thác một số sự kiện tiêu biểu nhằm ca ngợi công trạng của vị anh hùng áo vải cờ đào, như cuộc Bắc chinh phò Lê diệt Trịnh và cuộc chiến đánh đuổi quân Thanh xâm lược giải phóng thành Thăng Long. Ngoài ra, câu chuyện phim còn khai thác mối tình đẹp giữa Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân.

 

Ngoài 40 vai chính và thứ, như: Nguyễn Huệ (Lý Hùng đóng), công chúa Ngọc Hân (Hoa hậu Hoàn vũ VN 2008 Thùy Lâm đóng), đô đốc Bùi Thị Xuân (Lý Hương đóng), Nguyễn Nhạc (NSƯT Lý Huỳnh đóng), vua Lê Chiêu Thống (Công Hậu đóng), Tôn Sĩ Nghị (NSND Đoàn Dũng đóng), Nguyễn Hữu Chỉnh (NSND Thế Anh đóng)... đoàn làm phim đã huy động hơn 200 võ sư vào các vai tướng lĩnh của các bên và 15.000 lượt diễn viên quần chúng là các võ sinh vào vai quân sĩ Tây Sơn, quân sĩ triều Lê, quân sĩ chúa Trịnh, đặc biệt là quân Thanh. Về đạo cụ, có nhiều hạng mục lập kỷ lục. 100 con voi Tây Nguyên sẽ được huy động để làm voi chiến cho đội quân Tây Sơn. UBND    Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã giúp đoàn phim điều động. 100 con ngựa được tuyển chọn từ ngựa đua của Trường đua Phú Thọ và trại ngựa Tư Niệm sẽ sử dụng làm ngựa chiến. Gần 10.000 bộ trang phục và binh khí các sắc lính. 10 khẩu đại bác thần công được sản xuất để phục vụ cho phim trong các cảnh giao chiến. NSƯT Lý Huỳnh cho biết đó là những con số thực, khi lên phim số lượng này sẽ được nhân lên hàng chục lần bằng kỹ xảo để tạo nên tính quy mô, hoành tráng. Công ty HIK Film chuyên trách về kỹ xảo điện ảnh của Mỹ, đã có mặt tại VN, sẽ đảm trách.

 

Một đội ngũ chuyên môn khá hùng hậu được huy động cho việc thực hiện các cảnh quay. Có 3 đạo diễn cùng chỉ đạo thực hiện. Trong đó, đạo diễn Lý Huỳnh chỉ đạo các cảnh quay về võ thuật, có sự cố vấn chỉ đạo võ thuật của các võ sư đầu ngành võ cổ truyền VN, đặc biệt là võ thuật Bình Định; diễn viên Lý Hùng với vai trò diễn viên chính kiêm đạo diễn về diễn xuất; đạo diễn Phượng Hoàng chỉ đạo về bối cảnh, phục trang, đạo cụ. Toàn bộ việc sản xuất phục trang, binh khí, dựng bối cảnh và tạo hiệu ứng cháy nổ sẽ do Công ty Lê Minh Phương thực hiện.

 

Nỗ lực vượt qua khó khăn

 

Khó khăn trước hết là bối cảnh phim. Dự kiến đoàn làm phim sẽ quay một số cảnh tại các địa phương, từ TPHCM, Bình Dương, Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đến Đắk Lắk, Bình Định, Huế... Về nội cảnh, do không có phim trường nên đoàn làm phim phải tận dụng một số công trình xưa hoặc những công trình kiểu cổ mới xây dựng ở nhiều địa phương để thực hiện. Việc di chuyển đoàn làm phim đi lại nhiều nơi cũng rất vất vả và tốn kém. Cái khó là quay ngoại cảnh, trong đó có những cảnh quay buộc đoàn làm phim phải dựng bối cảnh như thật, dựng đồn Ngọc Hồi và bắc cầu phao qua sông tái hiện cầu phao bắc qua sông Hồng  để thực hiện những cảnh quay chiến tranh hoành tráng nhất, ác liệt nhất của quân Tây Sơn đánh vào đồn Ngọc Hồi và cảnh quân Thanh tháo chạy, giẫm đạp lên nhau trên cầu phao bắc qua sông Hồng.

 

Đạo diễn Phượng Hoàng cho biết việc huy động hàng trăm voi và ngựa để tập trận cũng là một khó khăn mà đoàn phim phải nỗ lực vượt qua. Việc huấn luyện 100 con voi không cùng đàn chịu đứng vào hàng ngũ do chúng ta sắp đặt sẽ không hề dễ dàng chút nào. Ngay cả việc đội ngũ quay phim cũng chưa quen quay những cảnh chiến tranh giữa sự hỗn loạn của người, voi, ngựa đang giẫm đạp lên nhau...

 

Chính vì vậy mà kinh phí làm phim trở nên khó khăn lớn nhất, NSƯT Lý Huỳnh cho biết dự kiến đầu tư kinh phí cho phim này hơn 10 tỉ đồng, nhưng thực tế sẽ còn cao hơn.

 

Chia sẻ với khó khăn này, Hội Điện ảnh TPHCM đã đứng ra vận động các địa phương hỗ trợ thêm cho đoàn làm phim về kinh phí, xem đây là công trình góp phần cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. NSND Huy Thành, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, cho biết hội đã làm việc với UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Định và đã nhận được sự chia sẻ này. Ngoài ra, hội cũng đã vận động Ban Tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long hỗ trợ cho đoàn làm phim 2 tỉ đồng.

 

NSƯT Lý Huỳnh cho biết nếu có được sự hỗ trợ từ phía các địa phương và ban tổ chức lễ thì tốt, còn không thì phim của ông cũng phải thực hiện như đã định bởi đó là tâm huyết của đời ông.

 

Cảnh trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm do nghệ sĩ Lý Huỳnh sản xuất gần 20 năm về trước

Huy Nguyên - NLD
Tin tức khác