Là một thầy giáo dạy tiểu học (huyện Chợ Mới, An Giang), rồi kháng chiến bùng nổ, ông đã từ giã mái trường thân yêu để dấn thân vào cuộc kháng chiến. Ông đã lập ra đoàn hát "Cứu quốc đoàn"- "Tuyên truyền xung phong" từ sông Tiền xuống tận đất U Minh. Và ông đã gắn bó với sân khấu cho đến cuối đời... Ngoài các bài nghiên cứu sâu về nghệ thuật cải lương Nam bộ, những chuyện tác giả kể lại là những mẫu chuyện nhỏ, chắt lọc từng kỷ niệm trên đường công tác. Cái đặc sắc hấp dẫn người đọc là lời ăn tiếng nói của con người Nam bộ được vận dụng hài hòa, tiếng nói chân chất, thật thà nhưng rất hình tượng, thể hiện sâu sắc tấm lòng của người dân với cách mạng. Gần 20 năm kể từ ngày NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch qua đời, quyển "Nguyễn Ngọc Bạch- Một đời sân khấu" ra đời do sự giúp sức và góp công của bạn bè và người thân của ông, giúp độc giả hình dung được quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương Nam bộ, đồng thời hiểu thêm cuộc đời một người đã có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng. Ông là người dành trọn cuộc đời để song hành và nghiên cứu sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Quyển sách chia làm sáu phần: "Ca khúc", "Những mẫu chuyện kháng chiến", "Hồi ký", "Về kịch nói và sân khấu cải lương Nam bộ", "Đề cương nghiên cứu", và phần cuối cùng là những bài viết của bạn bè, người thân của Nguyễn Ngọc Bạch để tưởng nhớ về ông.
Sách do NXB Trẻ ấn hành năm 2004, Vũ Kim Sa chủ biên, hiện có tại Cửa hàng Sách thiết bị giáo dục Cần Thơ, số 39 đường 3-2, TPCT.