Giữa năm ngoái, giới sân khấu xôn xao vì số tiền 40 tỉ đồng đầu tư để dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới mà phát pháo đầu tiên là việc Nhà hát Tuổi Trẻ được giao dựng vở kịch cổ điển Âm mưu và tình yêu. Lúc đó đã có những luồng thông tin trái chiều gây nên những cuộc tranh luận và “nói lại cho rõ” giữa các bên liên quan. Đầu năm nay, Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch vẫn tiếp tục chủ trương này và giao Cục Nghệ thuật biểu diễn soạn thảo đề án cũng như lấy ý kiến xây dựng từ các đơn vị sân khấu trong cả nước.
Nội dung đề án lần này được mở rộng thành “100 kịch bản nổi tiếng của VN và thế giới” kèm theo danh sách các vở đã được chọn. Cơ hội dàn dựng được chia đều cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật trong và ngoài công lập chứ không chỉ riêng Nhà hát Tuổi Trẻ như thông tin trước đây. Mỗi tác phẩm được chọn dựng sẽ được bộ hỗ trợ 100 - 120 triệu đồng và phải đảm bảo phục vụ khán giả tối thiểu 80 suất (kịch nói), 50 suất (kịch hát) trong khoảng thời gian hai năm sau khi dàn dựng.
Tuy những nội dung trong đề án lần này đã có vẻ rõ ràng và công bằng hơn so với những thông tin trước đây, nhưng tâm trạng chung của các đơn vị sân khấu phía Nam lại khá hờ hững. Nghệ sĩ Khánh Hoàng - giám đốc Nhà hát Kịch TP - cho rằng bộ chỉ định dựng lại những tác phẩm nổi tiếng từng đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước, huy chương vàng các hội diễn nhưng không phải vở nào cũng phù hợp với thực tế hiện nay, đó là chưa kể có những vở đã quá lạc hậu và dựng lại thì không biết diễn cho ai xem.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf đề xuất phương án “50/50” - nghĩa là danh sách các tác phẩm này chỉ nên có 50 kịch bản bắt buộc do bộ chỉ định, 50 kịch bản còn lại các nhà hát tự đề xuất theo những tiêu chí chung: mang tính thời đại, nhân văn, dự báo, từng được khán giả yêu mến. Ông Lê Duy Hạnh cũng đồng ý với quan điểm này và đưa ra ví dụ cụ thể về vở Chuông đồng hồ điện Kremli và Hòn đảo thần vệ nữ của Nhà hát Kịch TP.HCM rất đáng được khôi phục nhưng không nằm trong danh sách.
Và vấn đề được đưa ra tranh luận sôi nổi nhất vẫn là chuyện tiền nong. Với số tiền hỗ trợ 100 triệu/ vở cho tối thiểu 80 suất diễn (tính trung bình khoảng... 1 triệu đồng/suất) kèm hàng loạt yêu cầu về chất lượng vở diễn, diễn viên trẻ, lưu diễn miễn phí vùng sâu vùng xa... khiến các sân khấu đều than trời vì “vô lý, không thực tế, không khả thi”. Nghệ sĩ Minh Hoàng (đại diện sân khấu Phú Nhuận) cho rằng đề án này chỉ phù hợp cho các đơn vị nhà nước, chứ sân khấu tư nhân thì không tài nào kham nổi! Giám đốc sân khấu 5B Huỳnh Minh Nhị nói thẳng: “Số tiền này chỉ như muối bỏ biển”.
Suy cho cùng, mục tiêu của đề án là nhằm bảo tồn và “kích cầu” những tác phẩm nổi tiếng của sân khấu VN và thế giới . Mục tiêu này là hoàn toàn đúng đắn nhưng cách thức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập và vấp phải sự lạnh nhạt, hoài nghi của các đơn vị sân khấu phía Nam - môi trường sân khấu vốn toàn “tự bơi” và lẽ ra phải mừng vì sắp được “tiếp sức”.
Cảnh trong vở Âm mưu và tình yêu do Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng - Ảnh: N.Đ.T.