Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
445
123.288.886

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những người giữ nghề độc nhất vô nhị
Nếu không trực tiếp gặp và chứng kiến bà Nguyễn Thị Mẫn (danh ca Minh Mẫn) ca điệu Cổ Bản, hay Nam Ai, Nam Bình... thì ít ai nghĩ rằng giọng ca trong veo kia là của một bà cụ đã 84 tuổi.

Người sót lại của làn điệu ca cổ Huế

Chịu roi vọt để được học ca

 

Nghệ sĩ Minh Mẫn lớn lên trong một gia đình buôn hàng xén ở làng Tráng Lực (nay thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nhưng bà đã “lén lút” theo học trên 10 người thầy để ca được những câu Nam Ai, Nam Bình... “Để trở thành một nghệ nhân ca Huế như hôm nay, mệ (tức bà) đã phải chịu roi vọt và bao khó nhọc của lễ giáo gia đình. Hồi đó, mệ phải dậy thật sớm để hầu nước cho cha. Xong xuôi đâu vào đó rồi mệ mới lén trốn cha đi học ca”, bà Minh Mẫn nhớ lại.

 

Cái duyên khiến bà gắn bó với nghiệp ca này cũng rất “có duyên” theo như lời kể của bà. Lúc còn nhỏ, thấy tính cách của con gái khá nhanh nhẹn so với những anh chị em khác trong nhà nên bố mẹ bà đều hướng bà vào công việc kinh doanh. Nhưng đến năm 11 tuổi, trong một lần xem hát tuồng của đoàn Kim Sanh (gánh hát ông Hường Khanh, cậu của vua Bảo Đại), tiếng hát của các anh chị trong gánh hát đã làm “say lòng” cô bé Nguyễn Thị Mẫn. Biết cha sẽ không chấp nhận cho mình theo nghề hát, nhưng đã lỡ “mê” nên bà vẫn quyết tâm xin cha cho mình theo học nghề ca. “Vốn ở nông thôn nên quan niệm “xướng ca vô loài” của gia đình mệ phải nói là khá khắc nghiệt. Lúc đó cha mệ cấm cản ghê lắm, thậm chí ông còn dùng roi vọt để ngăn cấm mệ nữa. Nên để được theo thầy học ca, mệ chỉ còn cách là trốn cha mà đi thôi. Có những lúc bị ông phát hiện, mệ còn phải chịu cha đánh nữa”, bà tâm sự. Thế nhưng, bà vẫn không sợ mà chấp nhận chịu roi vọt của cha chỉ để mong được... học ca.

 

Có một lần, thầy giáo của bà là Ưng Thiều đã đích thân đến nhà để xin thân phụ của bà cho bà đi học hát nhưng cha bà vẫn nhất quyết từ chối và càng siết chặt sự quản thúc hơn nữa. Không nản chí, bà vẫn quyết tâm vượt qua để theo nghề cho đến bây giờ. “Mệ có được ngày hôm nay cũng nhờ chị gái của mệ nhiều lắm. Chị không chỉ giúp mệ làm các công việc trong nhà để mệ có thời gian học ca, mà còn giúp mệ giấu cha chuyện mệ lén đi học ca nữa”, bà cho biết.

 

Ẩn danh

Người thầy đầu tiên của bà là cụ Võ Thuyền, dạy bà ca điệu Cổ Bản, Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ. Khi đã khá thành thạo những làn điệu trên, bà lại tìm đến một người thầy khác để học những bài phức tạp hơn của ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Tứ đại cảnh... “Hồi đó đi học khổ lắm chứ không như tụi nhỏ bọn con bây chừ mô”, bà nói. Buổi sáng, sau khi hầu nước cho cha xong, bà mới “trốn cha” đi bộ sang nhà thầy Cửu Song (một nghệ nhân ca trong cung đình) ở làng An Gia để học. Sang đến nhà thầy, bà phải làm tất cả công việc dọn dẹp nhà cửa xong xuôi như người con trong nhà, rồi thầy trò mới hòa đàn vào phách để tập hát, từ việc bắt tay chỉ ngón, rồi cách nhả chữ sao cho tròn, rõ tiếng, luyến láy sao cho sang trọng câu hát. Ấy vậy mà buổi học cũng chỉ kéo dài được trong vài giờ rồi bà lại phải trở về nhà để tránh sự phát hiện của cha. Người thầy thứ ba của bà là cụ Thông Đinh, vốn là một nghệ nhân đàn nhị. Và có lẽ, sự kiện đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà là chính thức được gia nhập gánh hát Hường Khanh. Đó không chỉ là niềm mơ ước của một cô bé yêu thích ca hát, mà còn là bước đệm cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà về sau này.

 

Trải qua bao thăng trầm của nghiệp ca, đến năm 28 tuổi, bà xin vào giảng dạy ca Huế ở trường âm nhạc. Năm 30 tuổi, bà cộng tác tại Đài phát thanh Huế. Lúc này, dù ca Huế đã trở thành nghề chính của mình, nhưng bà vẫn sợ bị cha phát hiện. Để chuyện không bị “lộ tẩy”, bà đã chọn cho mình một cái tên khác bằng việc thêm chữ “Minh” trước tên của mình, trở thành Minh Mẫn. Bắt đầu từ đó, giọng hát của danh ca Minh Mẫn đã theo làn sóng của phát thanh Huế vang xa khắp miền Nam Việt Nam. Câu chuyện trở nên thú vị hơn khi bà “bật mí” về sự phát hiện của người cha vốn đã từng cấm đoán bà gắt gao về chuyện “xướng ca vô loài” này. “Mệ có biết ông theo dõi tiếng hát của mệ mô. Đến khi ông bị bệnh nặng và phải nằm trên giường suốt 7 năm, ông mới nói với mệ là giọng ca của mi nghe cũng hay đấy chứ. Mệ nhìn ông mà nước mắt cứ chực rơi, lòng thấy ân hận lắm, không ngờ mình giấu ông kín rứa mà ông cũng biết”, bà nhớ lại. Và cũng bắt đầu từ đó, hình ảnh cô bé “trốn cha, chịu roi vọt” để học ca hôm nào chính thức được xuất hiện trước công chúng với niềm hạnh phúc và kiêu hãnh chứ không còn “trốn tránh” như trước kia trong làng nghệ thuật xứ Huế.

 

Giọng ca "thương hiệu"

 

“Cái khó nhất trong ca Huế là làm răng mà có thể giữ giọng ca không đứt, không chùng xuống và không bị vang quá to. Mệ ca Huế tính đến nay cũng được hơn 60 năm rồi, nhưng chưa khi nào để bị đứt giọng. Muốn ca hay thì phải chịu khó học hỏi”, bà nói về ngón nghề của mình. Sau khi được chính thức “người đó giọng đó”, bà được nghệ sĩ Tuyết Hương bày thêm cho một số kỹ thuật trong khi ca điệu Nam Ai, Nam Bình... Rồi bà lại học thêm thầy Ngũ Chuột ở cống Ngự Viên, rồi cô Nhơn, cô Thu Nương... về các kỹ năng luyến láy, tạo nên “thương hiệu” riêng trong lời ca của mình.

 

“Cách luyến láy từ trong ca Huế là khó nhất, phải làm răng để từ của lời ca phải rõ mà còn phải thanh nữa”, bà cho biết. Với các giọng ca cùng lứa với bà thời bấy giờ, giọng ca của bà mang một âm hưởng riêng “không lẫn vào đâu” được. Cái tên Minh Mẫn cũng đã định danh cho mỗi câu mỗi chữ luyến láy được nhả ra từ lời ca khi cất lên trong tiếng đưa đẩy của chiếc đàn nhị, đàn tỳ bà, âm thanh réo rắt của cây đàn tranh, não nuột của cây đàn bầu... Với những cố gắng không mệt mỏi ấy, cuối năm 2008, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng là Nghệ nhân Dân gian về ca Huế.

 

Ở tuổi ngoại bát thập, chân tay bị đau nhức sau lần bị té ngã ngoài vườn, nhưng mỗi tuần hai buổi bà đều đón xích lô đến dạy cho các em có hoàn cảnh đặc biệt ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú (thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Lớp học này do vợ chồng thầy Bửu Ý xin tài trợ với mục đích đưa nghệ thuật ca Huế đến với trẻ em mồ côi không có điều kiện để học tập, tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật truyền thống vốn rất đặc trưng của vùng đất cố đô. Một đời hoạt động nghệ thuật, chỉ dạy không biết bao nhiêu thế hệ học trò về các ngón nghề ca Huế, nhưng rồi bà lại lo rằng các thế hệ sau không còn lưu giữ được những giá trị đích thực của các làn điệu ca Huế truyền thống. “Mấy đứa sau ni ca cái kiểu chi chứ có phải ca Huế mô. Tụi nó ca mà mệ nghe cũng không hiểu chi hết. Cũng không thể đổ tội cho tụi nhỏ được, lỗi cũng do người lớn nữa”, bà trăn trở.

 

Mỗi tuần vào ngày thứ bảy, bà đều ngồi xích lô đến sinh hoạt văn nghệ tại Câu lạc bộ số 9 đường Phạm Ngũ Lão (nhà riêng của thầy Bửu Ý). Dù chỉ là một câu lạc bộ nhỏ, dành cho những con người yêu thích ca Huế, muốn tìm hiểu về ca Huế, song câu lạc bộ cũng đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong ngoài nước đến nghe, tìm hiểu. Người ta tìm đến câu lạc bộ bởi ở đó có giọng ca truyền đời của nghệ sĩ Minh Mẫn. “Đến Huế, ai cũng bảo muốn nghe ca cổ điển thì phải gặp danh ca Minh Mẫn”, một đồng nghiệp ở Hà Nội đã nhắc đi nhắc lại câu nói ấy, bởi anh biết rằng, bà là người duy nhất còn lưu giữ được những giá trị truyền thống của một loại hình nghệ thuật ca Huế.

 

Ở tuổi 83, nghệ nhân Minh Mẫn vẫn vừa gõ phách vừa ca - Ảnh: M.P

 

Bùi Ngọc Long - Minh Phương - tno