Ngày tháng trôi nhanh thật, thoáng chốc mà đã 8 năm, kể từ buổi sáng ngày 1.4.2001, biết bao người đã khóc tiếc thương khi hay tin Trịnh Công Sơn, một trong những nhạc sĩ tài hoa trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đã không còn. Người ta yêu mến con người nổi tiếng đó không chỉ thông qua những ca khúc đã trở thành những thông điệp tình yêu và thân phận con người mà còn có những trăn trở với quê hương, đúng như nhận định của nhạc sĩ Văn Cao: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của tổ quốc mẹ hiền".
Không ai có thể nghi ngờ cái tâm trong sáng của anh, bởi những gì anh viết ra quá nhẹ nhàng như một dòng suối tuôn chảy từ ngọn nguồn trái tim. Từ đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từ biệt Trịnh Công Sơn bằng những lời xác quyết: “...Không còn gì ngăn cản anh - Đến với tình yêu - Đến với đồng bào - Đến với bạn bè - Đến với tương lai - Trịnh Công Sơn, từ biệt”. (Sự thật của cuộc ra đi).
Không phô trương nhưng là quy luật của muôn đời: "Hữu xạ tự nhiên hương", một thời âm nhạc của Trịnh Công Sơn xứng đáng đại diện cho đa số tuổi trẻ thầm lặng ở miền Nam bằng một thái độ rõ ràng khi đất nước còn chìm đắm trong chiến tranh, chia cắt. Điều này đã được nhạc sĩ Phó Đức Phương suy gẫm: “...Bằng cách riêng có thể, gắn liền với thân phận mình, nhạc sĩ đã chia sẻ với đất nước, ở một thời kỳ gian truân khốc liệt nhất, những vui buồn, mong đợi, ước vọng sâu thẳm của lòng mình đối với ngày khải hoàn, hoan ca của lịch sử dân tộc".
Chừng mực nào đó, âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng làm rạng danh cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Như lời của giáo sư Trần Văn Khê kể lại thì có lần hai vợ chồng ông đến tham dự một buổi bảo vệ luận án cao học của một cô gái Nhật tại một trường đại học ở Pháp, với đề tài: Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Thế là tên tuổi của một nhạc sĩ Việt Nam đã vang lên trong lòng Paris, nhiều thế hệ người Pháp đều biết và yêu mến.
Không chỉ có người Việt ở quê nhà hay đang định cư tản mạn trên khắp địa cầu mới thấu hiểu và thương tiếc Trịnh Công Sơn, mà từ nước Đức xa xôi, nhà nghiên cứu Đông Nam Á, giảng viên trường Đại học Bonn, ông Frank Gerk, bạn thân của Trịnh Công Sơn trong suốt những năm tháng lưu trú tại Việt Nam để học tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt, cũng đã bồi hồi khi hay tin bạn mình vừa mới ra đi. Ông viết: "Anh là một con người đa diện, anh là kẻ du ca hát về quê hương, tình yêu và số phận con người, anh là thi sĩ của tình yêu và hòa bình, là một người có lương tâm vô cùng".
Tám năm trước, vào cái ngày Trịnh Công Sơn ra đi, có lẽ trong vô số những lời ai điếu đưa tiễn anh, xúc động nhất là những câu viết của nhà thơ Nguyễn Duy: "Tôi lắng nghe âm nhạc Trịnh Công Sơn linh thiêng như tiếng gọi hồn, như sóng âm, như địa chấn, làm loạn nhịp tim tôi và làm loạn nhịp tim biết bao người hâm mộ. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã nâng cao, nối dài và vô hạn hóa cuộc đời hữu hạn của tác giả".
Còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng cứ như hằn một nỗi đau: "Sơn ơi! Âu cũng là "Một cõi đi về" mà thôi!".
Nhân dịp lần thứ tám ngày giỗ Trịnh Công Sơn, xin ghi lại một đôi điều như là thắp một nén nhang để tưởng nhớ anh, bởi những gì anh để lại cho đời đã làm thăng hoa cho cuộc sống thêm đẹp...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: Duy Anh