Theo thông báo của nhà thầu cung cấp nhạc cụ, ngày 20-4, món hàng cuối cùng trong số 81 nhạc cụ sắm cho dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM sẽ về đến TPHCM. Đây là số nhạc cụ hiện đại bậc nhất có giá trị 47 tỉ đồng, cần được sắp đặt và bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Thế nhưng, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM đang chạy nháo nhào, lo lắng vì không tìm đâu ra nơi bảo quản tốt nhất cho những món đồ làm nghề quý giá này. Một số nhạc cụ như đàn piano cỡ lớn đã nhập về đang phải để nguyên đai nguyên kiện trên hành lang văn phòng tạm bợ của đơn vị này ở số 212 Nguyễn Trãi.
Sắm bò, chưa lo được chuồng
Phải nói rằng TPHCM chịu đầu tư, khi chi 47 tỉ đồng mua sắm toàn bộ nhạc cụ cho dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM. Đây có thể nói là dàn nhạc cụ đầy đủ và hiện đại nhất Việt Nam, có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á. Sự đầu tư này cần thiết và thích đáng, nhằm nâng cao vị thế và phát huy năng lực chuyên môn của một dàn nhạc giao hưởng tại một TP lớn, như TPHCM, một TP được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước.
Việc đầu tư mạnh dạn của chính quyền TP cho dự án thay nhạc cụ mới này được tiến hành sau khi các vị lãnh đạo nhận ra rằng TPHCM đang có một dàn nhạc giao hưởng với một đội ngũ nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, được bạn bè quốc tế đánh giá tốt, nhất là sau chuyến tham gia Tuần Dàn nhạc châu Á diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 9-2008. Mặt khác, nhạc giao hưởng tuy chưa có được lượng công chúng lớn tại Việt Nam nhưng đây là loại hình nghệ thuật cao cấp, cần thiết cho bộ mặt văn hóa đối ngoại của TPHCM trong thời kỳ hội nhập.
Có đội ngũ trình độ chuyên môn giỏi, có nhạc cụ hiện đại nhưng lại chưa có không gian nghệ thuật xứng tầm để phát huy tài năng con người và sự hiện đại của các nhạc cụ ấy.
Đã 10 năm, kể từ ngày Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ra thông báo về quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa thông tin đến năm 2010, trong đó có việc chuyển đổi trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM (23 Lê Duẩn) thành nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch, bố trí một cơ sở khác có vị trí và quy mô tương xứng trên đường Trần Hưng Đạo để làm trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết, sự việc gần như giẫm chân tại chỗ.
Đã gần 5 năm, sau khi có quyết định của chủ tịch UBND TPHCM về việc thu hồi nhà, đất số 23 Lê Duẩn để bàn giao cho Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM (nay là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TPHCM), để đầu tư sửa chữa, bố trí sử dụng cho Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM làm trụ sở và hoạt động biểu diễn, cho đến nay trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM vẫn nằm yên tại số 23 Lê Duẩn!
Trong khi đó, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM vẫn phải ăn nhờ ở tạm tại rạp chiếu bóng Khải Hoàn cũ (212 Nguyễn Trãi), quá chật chội và đã xuống cấp nghiêm trọng từ hàng chục năm nay. Kể cả phương án dời tạm về Nhà hát Nhân Dân (quận 5), có từ 2 năm nay, cũng chưa thực hiện được vì rạp này chưa được Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TPHCM sửa chữa theo yêu cầu.
Không biết chờ đến bao lâu?
Không ít cuộc họp đã diễn ra và không ít văn bản đã ban hành, cuối cùng địa chỉ 23 Lê Duẩn, với diện tích 3.300 m2, được hai công ty Đức chuyên xây dựng các công trình nhà hát hiện đại trên thế giới khảo sát và lên bản vẽ thiết kế chi tiết, đã không còn thấy nhắc tới trong văn bản mới nhất của UBND TPHCM, mà thay vào đó là địa điểm mới: Công viên 23-9, có diện tích khoảng 12.000 m2.
Chiếc đàn piano hiệu Bosrndrjrr của Áo trị giá 250.000 USD vừa nhập về VN, song không có chỗ để, đành xếp ở một góc trong văn phòng tạm của nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM
Vị trí này đáp ứng được các yêu cầu về diện tích xây dựng, thuận lợi về giao thông công cộng, gắn với quảng trường và công viên, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, tầm nhìn phù hợp với vị trí của một công trình kiến trúc tiêu biểu của TP và có thể triển khai xây dựng ngay. Tuy nhiên, mọi việc hiện vẫn còn là chủ trương. Chưa biết đến bao giờ dự án này mới được hình thành?
Trước mắt, số nhạc cụ trị giá 47 tỉ đồng này sẽ bảo quản ở đâu? Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch giao trách nhiệm chính cho Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM bảo quản, lo nơi cất giữ số nhạc cụ này. nhưng nhà hát này hiện không có đủ chỗ cho nghệ sĩ dàn nhạc và các nghệ sĩ múa tập luyện hằng ngày thì lấy đâu ra mặt bằng làm kho, nhất là khi nhà kho cất giữ, bảo quản phải bảo đảm các tiêu chuẩn về nhiệt độ chống ẩm.
Ông Võ Đăng Tín, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM, cho biết trong số 81 nhạc cụ mới sắm cho nhà hát lần này có 3 chiếc đàn piano kích cỡ lớn, có giá từ 180.000- 250.000 USD/chiếc, muốn sử dụng thì phải để yên vị trí nơi biểu diễn, vì sau khi cân chỉnh âm thanh, không thể di chuyển từ nhà kho đến nơi biểu diễn được, nếu nhà hát thuê được nhà kho đủ điều kiện để bảo quản.
Chẳng lẽ TP đầu tư một số tiền lớn như vậy để nhập nhạc cụ hiện đại về rồi trùm mền, và trùm mền đến bao giờ?
Đưa vào Nhà hát TP, tại sao không?
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM: “Thành ủy và UBND TPHCM đã rất quan tâm đến việc phát triển nhạc giao hưởng, bằng chứng là đã chi ra 47 tỉ đồng để mua sắm một dàn nhạc cụ hiện đại. Cái cần còn lại của anh em nghệ sĩ chúng tôi là có một không gian nghệ thuật để phát huy nó; đào tạo đội ngũ để tạo bước phát triển mới. Điều kiện cơ sở vật chất cho công tác tập luyện quá chật chội, không bảo đảm về chuyên môn như hiện nay là một rào cản. Chúng tôi rất muốn được chuyển về Nhà hát TP trong thời gian chờ TP xây dựng xong nhà hát, bởi nơi đây có đầy đủ mặt bằng để anh em nghệ sĩ tập luyện, lại có điều kiện bảo quản nhạc cụ và có không gian nghệ thuật để biểu diễn.
Các nhạc công đang tập luyện trong không gian chật hẹp ở số 212 Nguyễn Trãi. Ảnh: H.Thúy