Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
505
123.290.197

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhẫn thạch: Tiếng nói bị vùi nén từ nghìn năm
Atiq Rahimi đã đưa tất cả tâm hồn của một nhà thơ Afghanitan vào trong cuốn sách thứ tư của mình - "Nhẫn thạch" - cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông viết bằng tiếng Pháp.

Trong một căn phòng “ở một nơi nào đó trên đất nước Afghanistan hay ở nơi khác”, một phụ nữ ngồi chăm sóc người chồng đã rơi vào trạng thái sống thực vật sau những cuộc hỗn chiến. Bên ngoài, tiếng súng nổ, tiếng bước chân hối hả, tiếng than rên; bên trong, nhịp thời gian được đếm bằng tiếng thở của người chồng và những vòng tràng hạt.

 

Trong sự cô đơn tận cùng thế giới, người phụ nữ đã dũng cảm gỡ bỏ chiếc màn che mặt, không còn cầu nguyện Thượng đế mà nói về những kỷ niệm, những giấc mơ bị đánh cắp, về cuộc hôn nhân cưỡng ép, về người chị bị gả bán, về danh dự của gia đình được xây dựng dựa trên tính cố chấp, độc đoán, và cả những trận chiến huynh đệ tương tàn không bao giờ châm dứt… Trong dòng chảy tự sự đầy cảm xúc ấy, ý thức về thân thể và những khao khát hạnh phúc được diễn tả thành thật, mạnh bạo và mãnh liệt hơn bao giờ hết.

 

Trong huyền thoại Ba Tư, Nhẫn thạch là hòn đá thần kỳ nơi người ta trút gửi vào đó những đau đớn và những bí mật không thể giãi bày, cho đến một ngày hòn đá nổ tung như một sự hóa giải cho những nỗi bất hạnh. Mượn hình tượng đậm tính chất thuyền thoại này, với sự hóa thân của người chồng thành hòn Nhẫn thạch cho người đàn bà được một lần nói thật, tác phẩm trở thành lời ngợi ca tự do, tình yêu và một khúc kinh cầu ám ảnh không chỉ của riêng nhân vật nữ chính “Tiếng nói thoát ra khỏi cổ họng tôi, đó là tiếng nói đã bị vùi nén từ hàng nghìn năm nay.”

 

Atiq Rahimi đã đưa tất cả tâm hồn của một nhà thơ Afghanitan vào trong cuốn sách thứ tư của mình - cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông viết bằng tiếng Pháp. Dường như ông đã phải từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Ba Tư, sử dụng tiếng Pháp để có thể nhập vào hồn của người phụ nữ dũng cảm này, để hòa mình vào những nỗi đớn đau của chị, để ngợi ca phẩm giá của chị bằng cách để tự chị nói ra những lời điên giận, độc ác, tàn nhẫn, khiêu khích, chất chứa những ham muốn chưa được thỏa mãn - tình yêu, nhục dục và những thú vui của kẻ bị đầy viễn xứ.

 

Lần đầu viết bằng tiếng Pháp, Atiq Rahimi đã thể hiện một văn phong  không gọt đẽo, không hoa mỹ, trần trụi như chính cảnh trí bên trong ngôi nhà có người đàn ông nằm liệt trên tấm nệm dưới đất. Không đồ nội thất, không đồ trang trí trên tường, không kính cửa sổ. Không tính từ, không phó từ, không giải thích cắt nghĩa hay những lối nói cầu kỳ đa nghĩa. Chỉ có thời gian chậm chạp trôi, những lần đi đi về về của người phụ nữ và những lời nói của chị. Sống sượng, trắng trợn, hung dữ, độc ác. Khô khan bởi chị không còn nước mắt để khóc. Tàn nhẫn bởi chị không còn tình thương.

 

Cố gắng tiết kiệm tối đa ngôn từ, tác giả xây dựng thảm kịch dựa trên một bối cảnh hoàn toàn khép kín. Trong câu chuyện của ông chỉ có từ, tiếng động, sự kiện chỉ xảy ra trong phạm vi mắt thấy tai nghe của người đàn ông đang hôn mê, trong tầm giác quan của hòn nhẫn thạch - vừa là con người, vừa là vật vô tri vô giác. Các lớp cảnh và các phân đoạn nối tiếp nhau, hết cảnh mặt trời mọc lại đến cảnh mặt trời lặn như những bức hình đen trắng chồng lên nhau, những đoạn tường thuật đượm màu sắc điện ảnh lẫn văn chương.

 

Atiq Rahimi sinh năm 1962 tại Kabul trong một gia đình chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Atiq Rahimi từng có ba tiểu thuyết viết bằng tiếng Afghanistan:  Terre Et Cendres (Đất  và tro, 2000 - cũng là nội dung bộ phim cùng nhan đề của ông), Les Mille Maisons De Rêve Et De La Terreur (Ngàn ngôi nhà mơ mộng và kinh hoàng, 2002) và Le Retour Imaginaire (Ngày về ảo huyền, 2005).

 

Nhẫn thạch là cuốn tiểu thuyết ngắn đầu tiên của ông được viết bằng tiếng Pháp, và đồng thời đem lại cho ông giải Goncourt danh giá với lời nhận định từ hội đồng giám khảo “Nhẫn thạch được chọn vì chất văn học tuyệt vời, tính hiện đại, khắc nghiệt, độ chính xác và lối viết không chút cường điệu của nó”. Nhẫn thạch đã được dịch sang 29 thứ tiếng. Tại Việt Nam, Nhẫn thạch do Dịch giả Nguyên Ngọc chuyển ngữ.

 

 

 

V.A - LĐĐT