Chơi xong một đoạn nhạc, nghệ sĩ Tăng Thành Nam ngừng lại hỏi NSƯT Nguyễn Tấn Anh: “Hình như chúng ta chơi đoạn này (một đoạn trong bản sonata II của G. Rossini) hơi nhanh thì phải?”. “Không, phải thế mới kích động được khán giả. Phải làm cho khán giả trong đêm nhạc đứng bật dậy kia” - NSƯT Tấn Anh nói.
Thể hiện sự đồng thuận của mình bằng sự im lặng, cả 5 nghệ sĩ trong nhóm ngũ tấu dàn dây của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch (HSBO), gồm: Tăng Thành Nam (violon I), Hồ Đăng Hội (violon II), Hà Đình Lam (viola), NSƯT Nguyễn Tấn Anh (cello) và NSƯT Trần Đức Nguyên (contrabasse) tiếp tục say sưa tập, chuẩn bị cho đêm ra mắt của mình trong chương trình Âm nhạc thính phòng cùng ngũ tấu dàn dây, diễn ra vào ngày 19-4 tại Nhà hát TPHCM.
Sự kết hợp ngẫu nhiên
Việc xuất hiện nhóm ngũ tấu dàn dây này là điều hết sức ngẫu nhiên, nói như những người trong cuộc là “sự kết hợp cho một nhiệm vụ chung”. Họ là những nghệ sĩ trưởng bè của các nhóm violon I, violon II, viola, cello và contrabasse của HSBO được kết hợp lại để hình thành nhóm ngũ tấu, trước tiên là tham gia chuyến biểu diễn kéo dài một tháng tại Nhật, theo lời mời từ dàn nhạc Kanazawa của Nhật Bản, vào tháng 6 tới.
Trước khi biểu diễn tại xứ người, nhóm ngũ tấu này có một buổi ra mắt khán giả VN. Có thể nói đây là nhóm ngũ tấu dàn dây duy nhất của TPHCM. Hầu hết, các thành viên của nhóm đều thừa nhận việc thành lập một nhóm ngũ tấu là điều hết sức cần thiết, nếu không nói là quá muộn. Bởi, trên thế giới những nhóm tam tấu, tứ tấu hay ngũ tấu của loại hình âm nhạc cổ điển không còn xa lạ với công chúng. Ngay cả tại Hà Nội cũng đã hình thành nhóm Ngũ tấu Hà Nội, ra đời cách đây hơn 20 năm và “chinh chiến” ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ trong và ngoài nước.
“Mặt khác, với mong muốn quảng bá rộng rãi nhạc cổ điển, một nhóm ngũ tấu sẽ thích hợp cho công việc này hơn một dàn nhạc, nhờ quy mô nhỏ gọn, dễ dàng cơ động nếu đi biểu diễn ở tỉnh xa” - nghệ sĩ Tăng Thành Nam cho biết. “Chúng tôi đang rất hào hứng.
Dù chưa thể khẳng định điều gì về sự tồn tại cũng như tương lai của nhóm nhưng chỉ cần có một chút hy vọng nhỏ nhoi về sự đón nhận của khán giả, chúng tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội” - NSƯT Tấn Anh khẳng định.
Khó khăn là điều tất yếu
Tràn đầy nhiệt huyết nhưng tất cả các thành viên không khỏi lo lắng về những khó khăn mà họ phải đối mặt. Làm thế nào để nhóm có thể tồn tại lâu dài là điều phải tính đến.
Một trong những nỗi lo không kém phần quan trọng của nhóm ngũ tấu này là quỹ tác phẩm. Dù nhạc cổ điển có cả một kho tàng nhưng với ngũ tấu dàn dây HSBO, bài vở là báu vật. Nghệ sĩ Tăng Thành Nam cho biết: “Giá một tập nhạc thính phòng rất mắc (trung bình 5 triệu - 7 triệu đồng/tác phẩm) và phải đặt mua tận nước ngoài (mất cả tháng trời mới có) nên nguồn bài đã ít lại càng hiếm hơn. Chính vì vậy, thời điểm trước mắt, ngũ tấu dàn dây HSBO vẫn chỉ có thể giới thiệu với khán giả những tác phẩm quen thuộc.
Dẫu sao, nhóm ngũ tấu dàn dây ra đời cũng phần nào tạo nên sự tươi mới cho sân khấu âm nhạc TPHCM, ít nhất là trở thành cầu nối hữu hiệu trong việc đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với rộng rãi công chúng.
Nhóm ngũ tấu của HSBO đang ráo riết tập luyện chuẩn bị cho ngày ra mắt khán giả
Ảnh: Thùy Trang