Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
530
123.290.944

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lễ hội văn hoá các dân tộc Việt Nam: Hội nghị Diên Hồng về văn hoá
Hôm nay (18.4), lần đầu tiên, tất cả các hoạt động làm nên văn hoá độc đáo của 54 dân tộc trong cả nước sẽ được tái hiện sinh động trong Ngày hội văn hoá các dân tộc Việt Nam được Bộ VHTTDL tổ chức tại Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).Lễ hội sẽ kết thúc ngày 20.4.

Không có sân khấu trình diễn như nhiều lễ hội vẫn phải tốn bạc tỉ dàn dựng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả kịch bản lễ hội - đã tận dụng địa hình của Làng văn hoá - du lịch các dân tộc VN (LVH) ở Đồng Mô để "dựng" một sân khấu mở, hình chữ S với diện tích vài nghìn mét vuông. Kịch bản của lễ hội được phân cảnh, sắp đặt các dân tộc theo địa lý thực tế hình chữ S ấy.

 

Sẽ có 5 không gian văn hoá được dựng lên (vùng núi phía bắc; Hà Nội - trung du - đồng bằng và Bắc Trung Bộ; Trường Sơn - Tây Nguyên; Huế - miền Trung và duyên hải; TPHCM - ĐBSCL - mũi Cà Mau) để cho chính những nghệ nhân của từng vùng, từng không gian văn hoá đó thể hiện những nét sinh hoạt đời thường, VHNT, nghề truyền thống của mình... như một bảo tàng sống.

 

Tây Bắc, Việt Bắc có múa sạp, thổi khèn, hát then, hát lượn; miền Trung có cố đô Huế, di sản Hội An, nghệ thuật tuồng và miền đất võ...; Tây Nguyên có cồng chiêng, nghệ thuật hát khan, nhà rông, nhà mồ...; miền Nam có đờn ca tài tử, có dừa xanh, ghe thuyền chở nông sản trên những con kênh, rạch... Có cột mốc Lũng Cú ở mỏm cực bắc, có hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa ở phía đông, được soi sáng bởi ngọn hải đăng.

 

Cao trào  của lễ hội là lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19.4 hằng năm là "Ngày văn hoá các dân tộc VN", diễn ra trong 90 phút được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào tối 19.4. Trong suốt 65 phút của phần hội, khán giả cả nước sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh, phong phú sắc màu văn hoá tưng bừng trên mọi miền đất nước thông qua bảo tàng sống như đã nói ở trên.

 

Bên cạnh đó, lễ hội còn có giao lưu VHNT và trang phục truyền thống; biểu diễn xiếc; triển lãm tài liệu, hiện vật, mỹ thuật, sách báo; trò chơi dân gian; hoạt động thể thao... Đặc biệt sau lễ khai mạc sẽ diễn ra hội nghị nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, các nhà khoa học để triển khai thực hiện "Ngày văn hoá các dân tộc VN".

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết: "Tôi cho rằng, lễ hội này có ý nghĩa như Hội nghị Diên Hồng về văn hoá của thời kỳ mới. Chúng ta rất cần một Diên Hồng để tập hợp lực lượng xây dựng củng cố và phát triển văn hoá trên cơ sở các hệ giá trị VN. Thông qua lễ hội, khối đại đoàn kết các dân tộc VN - vốn được xây dựng, vun đắp trên nền móng văn hoá, đạo lý, tình cảm qua hàng nghìn năm cùng nhau dựng nước và đấu tranh giữ nước; giành độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị, hội nhập, phát triển, hạnh phúc, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá làm người - sẽ được củng cố, phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc".

 

Ảnh : Một góc lễ hội.

Trương Hoàng - LĐO