Đặc biệt, đồng bào Chăm ở An Giang đã thực sự góp phần vào sự đa dạng, đa sắc của miền văn hóa sông nước, góp vào nét đẹp, tinh túy của địa phương, tạo nên sự cuốn hút và quan tâm của nhiều địa phương trong cả nước và cả các tổ chức nghiên cứu về phát triển văn hóa thế giới.
Những năm qua đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang đã nỗ lực rất lớn để vươn lên về mọi mặt, như tự lực vươn lên về kinh tế, nhiều gia đình đã vươn lên khá, giàu; các làng nghề dân tộc đang không ngừng phát triển; trình độ văn hóa không ngừng nâng lên; chúng ta đã có nhiều kỹ sư, bác sĩ người Chăm, có nhiều em đi du học nước ngoài, số lượng vào đại học đang không ngừng tăng lên; ngày càng có nhiều đồng bào dân tộc Chăm tham gia vào hệ thống chính trị (các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước…).
Những ngày VH-TT dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần II - 2004 là những ngày hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Chăm trong cộng đồng văn hóa 54 dân tộc anh em. Đây cũng là một dịp để đồng bào Chăm ở An Giang tự giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của mình, những tiềm năng phát triển và tự khẳng định mình.
Đây cũng là ngày hội biểu dương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào Chăm, thể hiện ý chí và tình cảm của người Chăm trong việc góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
Những ngày VH-TT dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần II - 2004 tại huyện An Phú sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp trong đông đảo du khách trong và ngoài nước, mở ra cơ hội để phát triển du lịch và tạo được sức hút về đầu tư cho Dự án Búng Bình Thiên huyện An Phú, góp phần vào sự phát triển chung của huyện biên giới - dân tộc An Phú.
Lê Minh Tùng
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)