Chọn con đường mà trước đó chưa có người Việt Nam nào đi, Andrew Lam đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo được chỗ đứng trong dòng chính của ngành văn chương và báo chí Hoa Kỳ.
Với những bài bình luận thường xuyên xuất hiện trên các báo lớn như the New York Times, the Chicago Tribune và The Nation, anh cũng là người điều hành hãng tin New California Media, người duyệt bài của Pacific News Service, và bình luận viên thường xuyên trên chương trình Radio NPR.
Là con trai của vị tướng nổi tiếng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa Lâm Quang Thi, nhiều bài viết của Quang Dũng không chỉ ghi lại những kỷ niệm, những thay đổi về thân phận của một gia đình, mà còn cả những mâu thuẫn biện chứng giữa hai thế hệ gốc Việt trên đất Mỹ.
Quyển hồi ký Perfume Dreams của Andrew Lam là tập hợp các bài viết của anh trong suốt 15 năm cầm bút, viết tiếng Anh từ thập niên 1990.
"Mơ Hương"
Cha mẹ muốn tôi làm bác sĩ. [...] Tôi quyết định sẽ làm nhà văn
Chữ Perfume trong tựa đề được tác giả giải thích trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC tiếng Việt là chọn lọc từ dòng suy nghĩ khi ngồi thuyền trên sông Hương và mơ về nước Mỹ.
"Nhiều lúc có những chữ không thể dịch chính xác được, mà tôi chưa bao giờ định viết bằng tiếng Việt do rời Việt Nam từ năm 11 tuổi, cho nên trước đây chưa hề nghĩ đến chuyện dịch tựa đề Perfume Dreams sang tiếng Việt như thế nào".
"Hiện tại rất nhiều người ở Việt Nam đọc quyển sách này bằng bản tiếng Anh, và cả khách du lịch nước ngoài ở đó nữa... vì sách bị in lậu", Andrew Lam chia sẻ.
Trong quyển hồi ký tạm dịch là Giấc mơ trên sông Hương, Lâm Quang Dũng nhiều lần đặt câu hỏi về bản thân mình, và tìm câu trả lời trong các mối quan hệ: con một vị tướng thất trận, phóng viên tìm hiểu vụ người Việt nổ súng ở Sacramento, nhà báo điều tra trại tị nạn Hongkong... và Việt Kiều.
"Việt Kiều chính cống" là danh hiệu mà một người tài xế xe ôm ở Sài Gòn dùng để gọi anh, bên cạnh những khái niệm khác như "Việt Kiều yêu nước", "Việt Kiều mới đi đã về", và "Việt Kiều dỏm".
Người cứu mạng - đó là hình ảnh mà một cô gái ở trại tị nạn Hongkong nhìn vào Andrew khi đề nghị anh cưới cô và hứa sẽ "hầu hạ anh suốt đời", để mong khỏi bị gửi trả về Việt Nam.
Nghiệp văn chương
Không được đem chuyện bí mật trong nhà ra kể cho người ngoài nghe - góc nhìn từ mẹ, và không được nói tiếng Anh trong nhà - góc nhìn từ người cha lúc Andrew Lam còn đi học.
Thế nhưng, nếu không biết nói tiếng Anh đúng giọng chuẩn thì khỏi có cơ hội tiến thân - lời khuyên của một ông chú.
"Cha mẹ muốn tôi làm bác sĩ.
Dù đã học mấy năm đầu ngành Y ở Berkeley, tôi vẫn quyết định không theo nghề này và thay đổi ý định. Người ta còn cho học bổng để học tiếp lên nha sỹ, nhưng tôi cũng từ chối.
Tôi quyết định sẽ làm nhà văn, và thông báo với gia đình.
- Nhà văn kiểu gì? - Cha tôi hỏi, giọng bối rối.
Tôi cũng không biết chính xác.
- Hãy kể tên một người Việt Nam nào có thể sống được bằng nghề viết văn trên đất Mỹ. - Cha tôi thách đố.
Lúc đó tất nhiên không có một ai rồi.
- Người đó sẽ là con. - Tôi trả lời kiên quyết, vì sợ nếu không đủ kiên quyết thì sẽ phải từ bỏ ước mơ". ̣(trích dịch từ Perfume Dreams, trang 41)
Và nay Andrew Lâm Quang Dũng đã sống được bằng nghề viết, trong đó có những câu chuyện về chính bản thân, về mối quan hệ trong gia đình, về những trăn trở cho những thân phận Việt Nam trên đất Mỹ, như vụ nổ súng hồi năm 1991 ở Sacramento.
Nghề báo
Tập hồi ký Perfume Dreams của anh được trao giải Pen American "Beyond the Margins" 2006.
Hiện anh đang tiếp tục viết tiểu thuyết. Tập truyện ngắn Birds of Paradise dự kiến sẽ phát hành trong năm nay.
Bên cạnh đó, Andrew Lam cũng là người đồng sáng lập hội New America Media với trên 2000 thành viên là các cơ quan truyền thông sắc tộc trên đất Hoa Kỳ.
Nghề báo của anh được ghi nhận qua nhiều giải thưởng lớn như SPJ 1993 cho nhà báo trẻ xuất sắc và "Bình luận viên giỏi nhất" trong năm 2004.
Ảnh : Andrew Lâm Quang Dũng