Màu vàng từ những chiếc đèn halogen chiếu qua những hạt mưa lất phất buổi chập choạng trên phố cổ. Ngang qua công viên Kazik trên đường Trần Phú, nhiều du khách nước ngoài cùng người dân phố cổ đã lạ mắt bèn vào.
Ở đó, bắt gặp một giếng Chăm cổ Hội An cùng cây cổ thụ, am thờ và thùng, đòn gánh nước với chất liệu ... giấy và báo. Hoạ sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thấu rõ là đang chơi với ký ức cổ xưa vốn dĩ quen thuộc bao đời.
Thời sự có thể đến từ những trang nhật trình, nhưng cũng có thể đang tới từ chính quá khứ. Một ký ức gần hơn nữa của Thấu, là “Kazimierz Kwiatkowsky”, tác phẩm chất liệu Acrylic (160x160 cm) đặt ngay bên trái tượng đài Kazik.
Kazick, tên đầy đủ Kazimierz Kwiatkowsky - kiến trúc sư người Ba Lan đã có công giới thiệu và gìn giữ giá trị “không trùng lặp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An. Giá trị của ký ức, và của đời sống là ở sự không trùng lặp.
Bắt gặp những quân cờ bày trận trên những gương mặt người (“Cờ và người” của Hoàng Thanh Vĩnh Phong), mà theo nhà thơ Phùng Tấn Đông, “lần đầu tiên, Quảng Nam mới có những tác phẩm sắp đặt được triển lãm như thế. Cái đẹp của nó trước hết là nó mới”.
Hai tác phẩm “Nước” của Trương Bách Tường và “Cái Phễu” của Lê Lộc chiếm phần lớn không gian mặt tiền triển lãm. Bên “Cái Phễu”, hoạ sĩ Lê Lộc đã “sắp đặt” chính mình trong tư thế ... nằm ngửa gối tay.
Môi trường trái đất cũng như mỗi con người đang cần một sự thanh lọc. Đến với Phố Hoài còn bắt gặp chất hiện đại dù thể hiện trên sơn mài của “Ngày Chủ Nhật” (Nguyễn Trọng Anh, 240 x 120 cm), “Di sản” (Nguyễn Đình Tiến) …
Một chỗ dừng chân thú vị cho những người rong chơi nơi phố già Faifô.
Ảnh : Một góc triển lãm