Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
534
123.290.861

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sức lan toả của mộc bản triều Nguyễn
Giá trị độc đáo của mộc bản triều Nguyễn (đang được Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam lập hồ sơ đăng ký đề cử danh hiệu "Tư liệu di sản" trong "Chương trình ký ức của UNESCO) là sức lan toả của nó.

Một loại hình tài liệu quý hiếm

 

Mộc bản triều Nguyễn là khối tài liệu quý, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác. Việc ấn hành được quy định nghiêm ngặt (hoàng đế ban dụ cho phép biên soạn và giám sát, chỉnh lý...).

 

Mộc bản là bản gốc để in thành sách. Bởi vậy, đây là nguồn sử liệu tin cậy để khảo cứu, đối chiếu, đính chính các nguồn sử liệu liên quan.  Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Tuy nhiên, giá trị của mộc bản triều Nguyễn không chỉ có vậy.

 

Ít người biết, ngoài mộc bản (âm bản) là những bản khắc gỗ, ở Huế còn có một loại hình dương bản để xem, đọc là những tranh vẽ, thơ văn...được trang trí theo lối “nhất thi nhất hoạ” trên các di tích Huế, mà nhiều nhất là ở điện Thái Hoà. 

 

Sức lan toả

 

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung – GĐ Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - thì dương bản xuất phát từ mộc bản, chính là sự lan toả để tạo nên những cái mới và làm nên sự độc đáo riêng có của mộc bản triều Nguyễn. Ông dẫn chứng: Phần lớn những dương bản thơ văn được khắc trang trí trên  điện Thái Hoà và các di tích khác của triều Nguyễn đều lấy trong tập “Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập” của vua Minh Mạng đã được in khắc mộc bản và in thành sách trước đó.

 

Ngoài thơ văn trên các di tích, còn có một kiểu “lan toả” khác của mộc bản độc đáo hơn, mà bức tranh gương ký kiểu “Vĩnh Thiệu Phương văn” (vườn Thiệu Phương) nổi tiếng, cùng hàng chục bức khác, là một ví dụ. Năm 1843, vua Thiệu Trị trong lúc đi tuần hạnh, thấy nhiều cảnh đẹp nên đã vịnh thơ xếp hạng gọi là “Thần kinh nhị thập cảnh” (12 cảnh đẹp của đất thần kinh), gồm bài chủ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” và những bài con kèm theo.

 

Năm 1844, Bộ Công vẽ tranh minh hoạ tập thơ và vua Thiệu Trị cho khắc mộc bản. Sau khi thấy bản khắc mộc bản, vua lại sai đại thần làm thành  những bức tranh gương ký kiểu. Từ nghiên cứu văn bản và thực tế, ông Nguyễn Phước Hải Trung khẳng định: “Dương bản xuất phát từ mộc bản khắc trên những di tích Huế là một biểu tượng thẩm mỹ độc đáo của triều Nguyễn mà các triều đại trước của VN và các nước cùng chung hệ văn hoá như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... không hề có”.

 

Tuy nhiên, hiện mộc bản dương ở các di tích Huế hiện không còn lưu giữ được nhiều, và do chiến tranh, thời tiết, sự xâm hại của con người, trùng tu, tôn tạo không đúng (thời kỳ đầu) nên mỗi ngày lại bị hư hao đi một ít. Hiện mộc bản dương đang cần những kế hoạch bảo vệ và trùng tu đúng và kịp thời của cơ quan chức năng.  

 

Mộc bản là bản gỗ, khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm (khắc ngược) để in ra thành những trang sách. Dưới triều Nguyễn, có hàng chục ngàn mộc bản, chứa đựng nội dung của hàng trăm cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra còn có các tác phẩm Ngự chế văn, Ngự chế thi do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và các ông hoàng triều Nguyễn như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương... sáng tác./.

 

Mộc bản dương, được thể hiện bằng pháp lam bên ngoài điện Thái Hoà. Ảnh: H.V.M

Hoàng Văn Minh - LDO