Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
466
123.292.481

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bảo vệ quyền tác giả văn học trên mạng - Hé mở những hy vọng
Ngày 13-5-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 30-6-2009. Thông tin này đã gây rúng động trong các lĩnh vực mà nghị định có liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản văn học.

Tràn lan vi phạm - Yếu kém xử lý

 

Tại Việt Nam, khi bàn về vấn đề bản quyền trong xuất bản, người ta hay lấy ngày công ước Berne có hiệu lực làm mốc so sánh. Theo đó, sau khi công ước có hiệu lực, thị trường xuất bản Việt Nam đã có sự thay đổi lớn. Từ tình trạng nhiều người cùng vi phạm bản quyền chuyển sang xuất hiện những doanh nghiệp tôn trọng bản quyền, thị trường xuất bản cũng dần chuyển đổi theo hướng ngày càng chuyên nghiệp với giá trị nội dung cũng như thương mại của sách ngày càng tăng. Tuy nhiên, chính vì lợi nhuận tăng đã dẫn đến thị trường sách lậu cũng có sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Từ chỗ nhỏ lẻ, các đầu nậu sách lậu dần bùng phát với quy mô ngày càng lớn.

 

Thế nhưng, vi phạm bản quyền mang tính quy mô nhất phải nói đến chính là trên hệ thống mạng Internet hiện nay. Nếu sách giấy để làm lậu phải sao chép, in ấn, phát hành…, thì với các tác phẩm lan truyền trên mạng, tất cả mọi công đoạn đều có thể thực hiện chỉ trong vài giây.

 

Nhắc đến bảo vệ bản quyền qua mạng, hầu hết những người trong cuộc đều ngán ngẩm lắc đầu. Có hai lý do chính khiến việc ngăn chặn sách lậu qua mạng trở nên khó khăn.

 

Đầu tiên là vấn đề kỹ thuật, yếu tố cơ bản nhất của mạng Internet là khả năng chia sẻ hầu như không giới hạn. Một tác phẩm ebooks về cơ bản cũng chỉ là một dạng dữ liệu số. Việc sao chép ra nhiều bản cực kỳ đơn giản và hầu như không tốn công sức. Điều thứ hai là tính nghiêm minh và mức độ răn đe trong xử phạt hiện nay. Nhiều trường hợp các trang web lớn, có cơ quan chủ quản, khi vi phạm mức độ xử phạt vẫn còn khá nhẹ nhàng, vì mức phạt tối đa theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP cũng chỉ là 70 triệu đồng.

 

Nghị định mới hé mở thị trường mới

 

Ngày 13-5, Nghị định số 47/2009/NĐ-CP được ban hành với nhiều quy định chi tiết từng hành vi, hình thức và mức phạt với vi phạm bản quyền. Điều được mọi người quan tâm nhất là mức phạt nặng nhất đã được nâng lên đến 500 triệu đồng.

 

Không những thế, nghị định còn có một điểm mới là song song với các hình thức xử phạt hành chính, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: khôi phục lại quyền đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, buộc dỡ bỏ bản gốc, bản sao tác phẩm…

 

Trước đó, ngày 12-5, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết một thông tư liên tịch với Bộ Công an có nội dung nhằm phối hợp phòng và chống in lậu. Kể từ nay, hai đơn vị này sẽ liên kết chặt chẽ với nhau nhằm ngăn chặn sách lậu trên thị trường cũng như trên các hệ thống mạng. Có thể nói, thông tin trên đã thổi một luồng gió hy vọng đến các nhà làm sách hiện nay đồng thời gợi mở ra một thị trường mới đầy hứa hẹn.

 

Thị trường đầy hứa hẹn đó xuất phát từ một thực tế mà chính do sách lậu trên mạng đã làm lộ ra: nhu cầu đọc ebooks đã xuất hiện tại Việt Nam! Ebooks có tính cơ động rất cao, có thể đọc trên máy tính, điện thoại di động hay các thiết bị điện tử đa năng khác.

 

Giá mua ebooks sẽ rẻ hơn nhiều so với sách giấy do không có các chi phí sản xuất và việc mua bán cũng đơn giản hơn so với mua sách giấy. Tất nhiên, ebooks không thể so sánh với sách thật nhưng với những người bận rộn, hay di chuyển thì đây là một lựa chọn hợp lý.

 

Hiện nay, việc kinh doanh ebooks vẫn không mang tính thực tế do yếu tố bảo vệ bản quyền vẫn còn quá mong manh nhưng với nghị định mới mạnh mẽ hơn, sự phối hợp hiệu quả hơn của hai bộ, thị trường sách qua mạng đang hé mở những hy vọng mới thay cho những lo lắng cũ.

 

Ảnh :Triển lãm một số sách giả đang có trên thị trường, hầu hết đều là những nhan đề sách ăn khách nhất hiện nay./.

Tường Vy - SGGP