Mọi chi tiết của dự án được ông giám đốc “chuyền” sang một cái tên quen thuộc khác: đạo diễn Lê Dân. Nhà đạo diễn lão thành đã lâu không làm phim nhựa kể từ sau thành công của Xương rồng đen tuy rất thận trọng nhưng cũng không giấu được sự phấn khích, cho biết:
- Tôi bắt tay vào viết kịch bản Đam San từ 1993, đến 1995 thì xong, từ đó đến nay đã sửa năm lần, bản vừa đưa cho anh Tiến tháng trước là bản thứ sáu. Chúng tôi đang bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị làm phim. Tôi mê hình tượng Đam San đã từ lâu và đây thật sự là một cơ hội tốt.
* Thưa ông, Trường ca Đam San có ý nghĩa như thế nào đối với kịch bản phim Đam San? Ông sẽ bám theo nguyên tác hay là cố gắng làm khác đi?
- Tôi đã đọc nhiều lần bản Trường ca Đam San do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier viết lại, sau này lên Tây nguyên nhiều lần, tôi cũng đã trực tiếp nghe nghệ nhân kể khan người Êđê là Y Mun kể trong nhiều đêm. Trường ca Đam San hấp dẫn người nghe như một tác phẩm văn học được trình bày theo lối kể chuyện bằng lời, nhưng không thể bê nguyên xi lên phim được, sẽ có rất nhiều đoạn lê thê vì thừa lời. Phim là kể chuyện bằng hình ảnh. Và chúng tôi đã xác định được cách làm phim của mình để người xem chấp nhận được một Đam San bằng hình ảnh.
* Gần một thế kỷ phát hiện lại Đam San rồi nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà dân tộc học và nhà văn vẫn còn chưa ngớt tranh cãi về chủ đề, ý nghĩa của hình tượng Đam San, vậy khi làm phim, các ông sẽ chọn hướng đi nào trong rất nhiều cách lý giải chưa phân thắng bại ấy?
- Chúng tôi xác định chủ đề của phim là: người anh hùng không phải là người chống lại chế độ mẫu hệ. Đam San phản kháng, không muốn nối dây nhưng rồi chính chàng lại đồng ý (một tập tục hôn nhân kéo dài trong họ hàng), có nghĩa là đã hi sinh cá nhân, hi sinh giấc mơ tình yêu của mình cho cộng đồng. Đam San đi tìm nữ thần Mặt trời cũng không phải là đi tìm tình yêu cho mình, mà là tìm kiếm và mang ánh sáng tình yêu về cho buôn làng. Cũng vì vậy mà chúng tôi bàn tới bàn lui và quyết định cắt bỏ đoạn Đam San chết trong đầm lầy và đầu thai trở lại. Phim sẽ kết thúc ở chỗ Đam San đi tìm nữ thần Mặt trời và mang ánh sáng tình yêu trở về.
* Một yếu tố quyết định thành công của phim là diễn viên. Ông đã cân nhắc giữa cái lạ và cái chuyên nghiệp, và ông đã quyết định theo hướng nào?
- Sẽ dùng diễn viên quần chúng người dân tộc nhiều nhất đến mức có thể. Tất cả đại cảnh sẽ mời diễn viên tại chỗ, các vai phụ, vai thứ sẽ mời diễn viên người dân tộc. Nhưng Đam San và nữ thần Mặt trời thì phải chọn diễn viên chuyên nghiệp thôi. Ngoài yếu tố lạ và hợp vai, vai chính còn đòi hỏi khả năng diễn xuất trước ống kính. Chúng tôi đã, đang đi tìm và hi vọng sẽ tìm được những diễn viên chuyên nghiệp hợp với vai diễn.
* Được biết các ông có thể yên tâm bố trí những đại cảnh cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bấm máy vì đạo diễn Lê Dân đã kéo được vốn nước ngoài. Vậy số tiền có yếu tố “ngoại” đó thực chất có lớn không và được đầu tư như thế nào?
- Liên doanh sản xuất Đam San gồm bốn hãng: Giải Phóng, Tân Hữu Nghị (hãng phim tư nhân của chúng tôi mới thành lập), Hãng phim Hội Điện Ảnh và F&C (Future & Culture- Tương lai và văn hóa- một hãng phim của Hàn Quốc). Phần vốn của Hàn Quốc ở đây sẽ bao gồm toàn bộ kỹ thuật, máy móc, công tác hậu kỳ. F&C sẽ mang sang VN đội ngũ giám đốc hình ảnh, chuyên viên giỏi nhất của họ trong các khâu âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo... và làm việc chung với các nhân viên kỹ thuật của ta. Tôi hi vọng sự cộng tác này sẽ giúp đội ngũ kỹ thuật của ta nâng cao tay nghề đáng kể. Việc làm hậu kỳ, in tráng ở Hàn Quốc cũng sẽ làm cho phim đạt chuẩn kỹ thuật khi phát hành trong khu vực.
Tuy nhiên, tỉ lệ góp vốn và ăn chia cụ thể còn phải bàn thêm nhiều. Chỉ có thể dự kiến kinh phí làm phim khoảng 10 tỉ đồng, đấy là chưa tính đến khả năng nhà nước có thể sẽ bỏ vào một khoản tài trợ hoặc đầu tư khi thấy bộ phim có hiệu quả xã hội tích cực.
* Thưa ông, còn điều quan trọng nhất: tính hấp dẫn của bộ phim - điều khiến người xem bỏ tiền mua vé?
- Đam San sẽ cố gắng để hấp dẫn người xem như một tình ca và một anh hùng ca, có yếu tố dân tộc học - cái lạ. Không phải ngẫu nhiên mà đối tác Hàn Quốc bỏ vốn vào đây, họ đã nhìn thấy khả năng phát hành trong khu vực châu Á. Còn lại cứ để chúng tôi làm cái đã chứ, nói trước sợ bước không qua, giữa năm 2005 Đam San mới bấm máy mà!
* Xin cảm ơn ông và chúc Đam San thành công.