Chưa bao giờ văn học dịch lại tràn ngập thị trường Việt Nam nhiều như lúc này, và có lẽ cũng chưa bao giờ các em thiếu nhi được tiếp cận với văn học thiếu nhi thế giới kịp thời như bây giờ. Thực tế đó dường như ngược lại với văn học thiếu nhi trong nước.
Âm thầm đơn độc
Trong khi hầu hết các nhà văn trẻ đều đi qua mảnh đất văn học thiếu nhi và rồi cũng gần như không có một sự trở lại nào, thì có một đội ngũ không nhiều các nhà văn có thể nói là gạo cội trong làng viết vẫn âm thầm chung thuỷ với đề tài này một cách say mê. Nhiều năm nay, gần như đơn độc trước sự "xâm lấn" ồ ạt của mảng sách thiếu nhi dịch từ tiếng nước ngoài, họ vẫn miệt mài sáng tác và liên tiếp cho ra tác phẩm mới "made in Vietnam".
Trong buổi lễ ra mắt các tác phẩm mới nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 này tại thành phố Hồ Chí Minh, các em thiếu nhi có dịp gặp lại các nhà văn quen thuộc như Trần Hoài Dương với Nàng công chúa biển, Lê Phương Liên với Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu, Nguyễn Đình Chính với Ngàn dặm xa…
Đó là các tác phẩm văn học giả tưởng đậm tính dân gian, các nhà văn đã dựa vào những chất liệu truyền thống để sáng tạo nên một thế giới thần tiên cho các em. Lâu lắm rồi mới lại có một xê-ri văn học dành cho thiếu nhi có chất lượng và đồng bộ như vậy bên cạnh sự chiếm lĩnh của các tác phẩm văn học dịch.
Không có tác phẩm ấn tượng
Đã qua lâu rồi thời các nhà văn viết cho thiếu nhi thành danh với các tác phẩm trở thành kinh điển trong văn học thiếu nhi như Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký, Phùng Quán với Tuổi thơ dữ dội, Đoàn Giỏi với Đất rừng Phương Nam… Những năm gần đây, hầu như chỉ có Nguyễn Nhật Ánh "làm mưa làm gió" với các tác phẩm Kính vạn hoa, Chuyện tình xứ Liang Biang, Cho tôi một vé đi tuổi thơ. Lặng lẽ hơn cũng chỉ vài tên tuổi như Một thiên nằm mộng, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, Bí mật của tôi và thằn lằn đen của Lý Lan.
Và vì vậy, hằng năm, các NXB vẫn phải tái bản nhiều lần những tác phẩm đó. Điều đó chứng tỏ độc giả vẫn có nhu cầu đọc sách trong nước, mặc dù nếu dạo qua một lượt các nhà sách, thì có thể thấy tràn ngập vô vàn các tác phẩm văn học dịch được làm công phu.
Điều làm nên sức sống lâu bền của các tác phẩm kinh điển là bởi nhân vật trong các tác phẩm đó đã bước ra khỏi trang sách và có một đời sống thực sự trong lòng các bạn đọc nhí, hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Hội Nhà văn phối hợp với NXB Kim Đồng đã liên tục tổ chức những cuộc vận động viết cho thiếu nhi. Năm 2009, với chủ đề Bước qua thế giới, những người tổ chức muốn khơi gợi cho các nhà văn đường đến với thế giới của tuổi thơ, với thể loại truyện giả tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, đòi hỏi trí tưởng tượng phi thường của người viết.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các cuốn sách, được đánh giá chất lượng khá như Đường tới thiên đàng của Phương Trinh; Tôi vẫn là con nít của Yến Linh cũng chỉ có một số lượng bản in khiêm tốn, 1.000 bản, và chưa được nhiều bạn đọc biết đến. Quả là khập khiễng nếu làm một phép so sánh với các tác phẩm văn học thiếu nhi dịch từ tiếng nước ngoài đang bán chạy ở Việt Nam, với những số lượng phát hành kỷ lục.
Nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng ban Văn xuôi - Nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết, NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn đang có nhiều cố gắng để khắc phục tình trạng này, bằng cách khuyến khích các nhà văn trong nước quan tâm đến mảng văn học thiếu nhi.
Chưa bao giờ ở Việt Nam, các nhà văn và bạn đọc được hưởng thụ một nền văn học dịch phong phú và đa dạng như hiện nay, điều đó có những ảnh hưởng tích cực đến người cầm bút. Họ được tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới, mở ra những chân trời mới về khả năng khám phá hiện thực và những khuynh hướng sáng tác mới.
Với sự tiếp thu tích cực đó, nhà văn Lê Phương Liên nói, hy vọng sẽ có một lớp người viết mới với những tác phẩm có giá trị hơn, thu hút sự quan tâm chú ý của các em. Các em sẽ có những nhân vật điển hình để thân thiện như Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài./.