Cố kiến trúc sư Kazimierz (Kazik) Kwiatkowski (1944-1997), người Ba Lan đến Mỹ Sơn vào những năm đầu của thập kỷ 80 để bắt đầu công việc nghiên cứu khu đền tháp Mỹ Sơn.
Người dân Mỹ Sơn từ những năm 80 của thế kỷ 20 kể lại rằng, cố kiến trúc sư Kazik đã từng một mình âm thầm dựng lán trại sống giữa khu rừng núi Mỹ Sơn trong một cái lán che tạm bằng tranh tre nứa lá, ăn cơm nguội, rống nước khe và hàng đêm sưởi ấm bằng lửa để nghiên cứu, khảo sát, đo vẽ, lấy tư liệu làm cơ sở cho việc trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn sau này.
Trong việc trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn, quan điểm của Kazik luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc là gìn giữ nguyên vẹn di tích gốc và các thành phần gốc, không làm sai lệch và không làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đã được đưa vào để gia cường.
Với cách làm này, các ngôi đền tháp Mỹ Sơn đã được cứu vãn và phục chế từng phần mà vẫn giữ nguyên được những đặc điểm và giá trị vốn có.
Đã hàng vạn ngày đêm, Kazik luôn trăn trở, suy tư như ông đã từng nói: “Người Chăm pa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá và biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn thâm nghiêm, tráng lệ, hùng vĩ. Đây là bảo tàng điêu khắc, kiến trúc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới có thể hiểu biết hết...”
Ông cùng đồng nghiệp đã dành trọn cuộc đời mình cùng tâm huyết cho công tác khảo sát, trùng tu Mỹ Sơn, trả lại ánh hào quang vốn có thuở xưa của một di sản văn hoá nhân loại.
Với thiện tâm và công sức ấy, Kazik xứng đáng được người dân Mỹ Sơn tôn vinh và tặng danh hiệu “Công dân danh dự của Mỹ Sơn”.
Phù điêu chân dung Kazik ở Hội An (hoàn thành năm 2005)