Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
453
123.293.643

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hoang tàn thủ phủ Tây Sơn
Từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) chạy dọc Quốc lộ 1A hơn 25 km theo hướng Tây - Bắc, rẽ tiếp gần chục cây số đường làng, chúng tôi tìm về di tích Thành Hoàng Đế tọa lạc trên địa phận các xã Đập Đá, Nhơn Hậu (huyện An Nhơn).

Tuy nhiên, kinh đô của chính quyền trung ương phong trào Tây Sơn ngày nào giờ chỉ còn sót lại những di vật ít ỏi, hoang tàn đang trơ gan cùng tuế nguyệt...

 

Tòa thành sầm uất nhiều triều đại

 

Sáng sớm, cụ Trần Đức Tâm (66 tuổi, thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu) lại bắt đầu công việc của mình.

 

Kính cẩn thắp nén hương trước bệ thờ ở lầu Bát Giác, cụ dạo một vòng, cặm cụi cắt vệt cỏ dài, mọc nham nhở ở khu Tử Cấm Thành.

 

Cả chục năm nay, cụ gắn bó với công việc trông coi, bảo vệ Thành Hoàng Đế, ngủ đêm luôn tại lầu Bát Giác. Cẩn thận lấy xấp tài liệu bọc trong túi nilon, đôi mắt mờ đục của cụ cố dõi theo từng dòng chữ, thoảng niềm tiếc nuối về kinh đô triều đại Tây Sơn hoành tráng ngày nào.

 

Nhìn vị thế đắc địa, giữa dải đất bằng phẳng, được bao phủ xung quanh bởi những dãy núi trập trùng, cũng dễ hiểu vì sao Thành Hoàng Đế từng là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và từ năm 1786 - 1793, nó trở thành kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.

 

Tiền thân của Thành Hoàng Đế từng là kinh thành Vijaya - Đế đô của vương quốc Chămpa (thế kỷ XV), mà trong các tài liệu lịch sử thường được phiên âm là Đồ Bàn, Chà Bàn, Trà Bàn… Vào thời hoàng kim, Vijaya là một tòa thành nguy nga, tráng lệ.

 

Theo sách “Việt sử lược” từng có đoạn ghi rằng: “Vào khoảng năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông chiếm được thành đã sai kiểm tất cả các nhà trong và ngoài thành, cả thảy có tới 2.560 khu”. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông mang đại binh vào đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn và cả châu Vijaya, đổi thành phủ Hoài Nhơn trực thuộc Quảng Nam thừa tuyên của nước Đại Việt.

 

Hơn ba thế kỷ sau, đến năm 1775, Nguyễn Nhạc bắt đầu cho xây dựng lại và mở rộng thêm về quy mô của thành để làm sở chỉ huy của nghĩa quân Tây Sơn và gọi tên là Thành Hoàng Đế vào năm 1778. Từ đây, các lãnh tụ tối cao của quân đội Tây Sơn đứng đầu là Nguyễn Nhạc đã lãnh đạo cuộc chiến đấu nhằm ngăn chặn quân Trịnh ở mặt Bắc và tập trung lực lượng tiêu diệt quân Nguyễn ở phía Nam.

 

Bằng một loạt cuộc tiến công liên tiếp, quân Tây Sơn đã lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, xuất phát từ Thành Hoàng Đế, vượt biển vào Gia Định đánh tan 5 vạn quân Xiêm, thống nhất quốc gia.

 

Một thời binh đao

 

Dẫn chúng tôi ra sau lầu Bát Giác, thắp nén nhang trước mộ Võ Tánh, lão nông Trần Đức Tâm kể:

 

“Võ Tánh được Gia Long truy phong và chôn cất ngay tại thành- nơi diễn ra trận đấu quyết liệt nhất giữa quân đội Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thành Hoàng Đế cũng suy tàn từ những cuộc binh biến đó”.

 

Năm 1799, tướng của Nguyễn Phúc Ánh là Võ Tánh đánh chiếm được thành. Để ghi dấu sự kiện này, Nguyễn Ánh cho đổi tên thành là Bình Định và sai Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ.

 

Mùa đông cuối năm đó, hai tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân vây đánh thành Bình Định ròng rã suốt 2 năm trời. Biết không giữ nổi thành, Ngô Tùng Châu uống thuốc tự vẫn, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu xin tha cho các tướng sỹ của mình và lên lầu Bát Giác tự thiêu.

 

Trong cuốn “Võ Nhân Bình Định” kể lại rằng: “Võ Tánh sai chất củi khô nơi lầu Bát Giác và rải thuốc súng chung quanh lầu.

 

Nghe tin ông sắp tuẫn tiết, người ái thiếp và vị lão bộc xin được chết theo. Ông không cho. Hai người đợi ông lên lầu rồi lấy dây tự trói mình vào cột lầu chung với củi…”.

 

Cảm động trước lòng can đảm của Võ Tánh, Trần Quang Diệu sau khi chiếm lại được thành đã cho an táng tử tế và tha hết quân Nguyễn.

 

Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ, sứ mệnh của ngôi thành này cũng kết thúc. Nhà Nguyễn trung hưng, vua Gia Long truy phong Võ Tánh là Hoài Quốc Công, Ngô Tùng Châu là Hòa Quận Công, cho dựng đền tại nơi tuẫn tiết để thờ cúng, lấy tên là Bát Giác Lầu Từ.

 

Đồng thời áp dụng chính sách trả thù tàn bạo, xoá sạch những gì nhà Tây Sơn đã xây dựng. Năm 1813, nhà Nguyễn phá Thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn để lấy đá ong vào xây thành Bình Định (ở thôn Kim Châu, thị trấn Bình Định) và thành hoang phế từ thời đó cho đến nay.

 

Tuế nguyệt trơ gan...

 

Bao bọc Tử thành bây giờ chỉ còn những mảng đá ong rã rời, những móng tường nằm khuất lấp dưới đám cỏ xanh được bao bọc bằng hàng rào thép B40.

 

Bên trong là những cột cờ, lầu Bát Giác (nơi có mộ Võ Tánh), miếu mạo, nghê đá, sư tử, 2 hồ bán nguyệt, hồ Trái Tim, hòn giả sơn, giếng nước, tượng vũ nữ,… đang nằm lăn lóc, sứt mẻ khắp nơi, lâu ngày không được chăm sóc rong rêu phủ đầy.

 

Không ít những móng thành, gạch, đá... nằm vất vưởng khắp nơi là dấu vết khai quật của các đoàn khảo cổ đào lên rồi bỏ đó. Tấm mái che tạm khu vực hồ bán nguyệt có chăng chỉ làm phá mất không gian chung và lộ rõ sự chắp vá của công tác bảo tồn di tích.

 

Đọc lại kết quả khảo tả di tích càng thấy xót cho Thành Hoàng Đế bây giờ. Theo Sở VH - TT - DL tỉnh Bình Định, thành có quy mô vào bậc nhất so với những công trình kiến trúc mà đoàn quân áo vải đã từng xây dựng như thành Phú Xuân (Huế), Phượng Hoàng Trung đô (Nghệ An)... và được đánh giá tương đương với Hoàng thành Thăng Long.

 

Thành Hoàng Đế vốn chia làm ba lớp. Thành Ngoại có chu vi khoảng 7.400m, mở ra 5 cửa. Ngoài ba cửa Bắc, Đông, Tây, mặt phía Nam có hai cửa: cửa Vệ hay còn gọi là cửa Nam và cửa Tân Khai (mới mở).

 

Thành Nội (hay còn gọi là Hoàng thành) được xây cũng được xây dựng bằng cách đắp đất, bó đá ong hai mặt. Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Tử thành) là vòng thành trong cùng cũng có cấu trúc hình chữ nhật, chu vi 600m. Tử thành chỉ mở một cửa về phía Nam với các tên gọi Nam Lâu, Tam Quan và Quyền Bổng.

 

Hơn 2 thế kỷ, đến nay trong lòng kinh thành đã là đồng ruộng, làng mạc nhà cửa, tường thành ngoại được nhân dân sử dụng làm đường giao thông trong làng và xây cất nhà cửa. Chỉ riêng khu vực Tử Cấm Thành là không sử dụng vào mục đích thổ cư nhưng cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

 

“Trong những năm kháng chiến, bom đạn không đụng đến, vậy mà trong thời bình, thành này bị bỏ hoang đến mức đau lòng. Ngay cả khi bên Sở Văn hóa (VH- TT - DL) đã tổ chức khai quật nhiều lần nhưng rồi cũng chẳng thấy ai đã động gì đến chuyện trùng tu. Thỉnh thoảng có đoàn khách ở xa đến đi dạo một vòng quanh thành, vào dâng hương trong lầu Bát Giác rồi lại ra về trong tiếc nuối” - giọng cụ Tâm trầm buồn.

 

Cụ Nguyễn Quang Hưng (80 tuổi, ở Nhơn Hậu) - người cả đời sống gần bên khu di tích, không khỏi xót xa: “Cứ để thế này, nếu không có một sự can thiệp kịp thời, một ngày không xa Thành Hoàng Đế chỉ còn được nhắc đến trong sử sách. Khi đó ai sẽ là người có lỗi với tiền nhân, với hậu thế?”.

 

"Hiện Sở đang phối hợp cùng Viện thiết kế khoa học miền Trung (Bộ VH - TT - DL) để quy hoạch thiết kế di tích Thành Hoàng Đế, tiến tới tổ chức các buổi hội thảo khoa học, trình các cấp ngành phê duyệt mới có thế trùng tu..." - Ông Văn Trọng Hùng Giám đốc Sở VH - TT - DL tỉnh Bình Định

 

Từ năm 1982, Thành Hoàng Đế đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là bộ VH- TT - DL) xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Theo Sở VH - TT - DL, khu vực Tử Cấm Thành xuống cấp do quan điểm lệch lạc về lịch sử, dẫn đến tình trạng chính quyền sở tại không bảo vệ và không tôn tạo, thậm chí ở di tích này không có bộ phận bảo vệ.

 

Ảnh : Tường bao Tử Cấm Thành - Thành Hoàng Đế giờ chỉ còn những đống đổ nát 

 

Nguyễn Huy

Nguyễn Huy - TPO