1. Nếu suy nghĩ một cách đơn giản thì phim Việt hẳn nhiên phải là những bộ phim do người Việt Nam đạo diễn, diễn viên Việt Nam đóng, quay ngoại cảnh tại Việt Nam, do Hãng phim Việt sản xuất, sử dụng nhân lực Việt, phản ánh cuộc sống, con người, đất nước, nền văn hóa, lịch sử Việt Nam, phục vụ khán giả Việt và lợi ích của toàn dân tộc Việt…
Báo chí không ngày nào không đề cập tới nội dung của những bộ phim truyền hình dài tập gần đây, cũng như những gì diễn ra xung quanh việc sản xuất một số bộ phim đó. Đại biểu Quốc hội Phạm Phương Thảo từng băn khoăn: phim Việt Nam mà sao xa lạ với người lao động, với thực tiễn Việt Nam. Việc đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Như thế nào là một bộ phim Việt?” trước hết có lẽ nên bắt đầu từ nội dung phim.
Phim (truyền hình) Trung Quốc “bị” (hay “được”) khán giả Việt Nam coi là phương tiện truyền bá lịch sử nước họ. Phim (truyền hình) Hàn Quốc “bị” (hay “được”) coi là phương tiện quảng cáo cho các sản phẩm kinh tế của họ.
Phim Hollywood thì từ lâu ai cũng biết là một phương tiện truyền bá hữu hiệu cho lối sống Mỹ, quan điểm của người Mỹ cũng như nền văn hóa Mỹ. Nhưng trước khi đi ra nước ngoài, phim họ làm là để cho dân họ xem. Truyền hình Mỹ cũng có những bộ phim “sitcom” (tạm dịch là “phim kịch tình huống”) dài lê thê, quay trong phim trường (nhằm giảm kinh phí), với những câu chuyện “tình, tiền, tù, tội, hỷ, nộ, ái, ố” chằng chịt, chủ yếu phục vụ các bà nội trợ, được chiếu vào giờ mà những người khác đang đi làm, chứ không phải được chiếu vào “giờ vàng”, là những giờ vốn có lượng khán giả đông đảo thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau…
2. Nhìn lại các bộ phim được chiếu trên các đài truyền hình thời gian qua, ngoài số rất ít những bộ phim được dư luận đánh giá tốt, phải thừa nhận rằng “chất Việt” trong (nội dung) nhiều phim còn rất mờ nhạt.
Đơn cử bộ phim “Cô gái xấu xí” được “làm lại” từ kịch bản nước ngoài, suốt hơn trăm tập hầu như “nhốt” khán giả trong mấy căn phòng ngột ngạt của một công ty thời trang, với những nữ nhân viên ăn mặc cực mốt và cực “hot”, xa xôi với người xem Việt, giống như khách bộ hành đi ngang một tòa cao ốc, vô thưởng vô phạt tự hỏi về những chuyện đang diễn ra bên trong cao ốc ấy.
“Cô gái xấu xí” giống một “sitcom” hơn là một phim truyền hình nhiều tập. Những bộ phim như thế khó có nhiều cơ hội để thể hiện “chất Việt”, chưa nói đến cơ hội quảng bá thiên nhiên Việt, truyền thống Việt, ẩm thực Việt, kiến trúc Việt, gia đình Việt…
Khán giả cũng “xuýt xoa” rằng bộ phim “Cổ vật” đã có thể “tranh thủ thời cơ” khai thác sâu hơn nữa bề dày lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam thông qua một đề tài rất hấp dẫn là cổ vật… Không phải bộ phim truyền hình nào cũng phải gánh vác bấy nhiêu trọng trách, nhưng nếu không hơn phim người ở “chất Việt” thì điện ảnh Việt Nam lấy gì làm hành trang để sánh vai với thế giới?
Cứ cho đấy là những “chuyện to tát”. Những “chuyện nhỏ nhặt” trong các bộ phim “hoàng tử - lọ lem” thì sao? Không cần phải là khán giả khó tính cũng có thể nhận thấy ngay cả những “tiểu tiết đời thường” trong nhiều bộ phim cũng không được thể hiện một cách chu đáo (nếu không nói là cẩu thả), như nó vốn phải thế trong văn hóa ứng xử của người Việt. Thế mà đó lại chính là những “tiểu tiết” làm nên chân dung con người Việt. Trong phim, cảnh quan thiên nhiên Việt cũng hiện diện khá khiêm tốn…
3. Quá trình sản xuất phim là một dây chuyền gồm rất nhiều khâu kết hợp giữa nghệ thuật, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, kinh doanh… Khi xem xét tiêu chí đánh giá “như thế nào là một bộ phim Việt” không thể bỏ qua tất cả những khâu này. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền điện ảnh nước nhà, nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi đối với phim của nước mình. Xu hướng hợp tác quốc tế, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh thế giới hiện nay cho ra đời nhiều bộ phim “đa quốc tịch”.
Trong nhiều trường hợp, thật khó xác định rành mạch “quốc tịch” của phim. Điều này lại càng quan trọng khi xét xem phim có được hưởng sự ưu đãi của chính phủ nước mình hay không. Công nghiệp điện ảnh Việt Nam không là ngoại lệ. Khi ấy, một lần nữa câu hỏi “Như thế nào là phim Việt?” lại được đặt ra. Một bộ phim Việt cần ưu tiên huy động nhân tài, vật lực, cảnh quan thiên nhiên Việt, đem lại công ăn việc làm cho dân Việt cũng như hiệu quả kinh tế cho nước Việt…
Điện ảnh Pháp là một trong số hiếm những nền điện ảnh còn giữ được bản sắc trước sự bành trướng của Hollywood.
Quy định về “phim Pháp” của nước này bao gồm nhiều tiêu chuẩn, được tập hợp thành một bảng đánh giá, mỗi chỉ tiêu ứng với một số điểm, khi đạt đủ số điểm tổng cộng cần thiết phim sẽ được coi là “phim Pháp”. Các tiêu chuẩn trên liên quan tới hãng sản xuất phim, ngôn ngữ sử dụng trong phim, tác giả (đạo diễn, người viết kịch bản…), diễn viên (chính, thứ, phụ…), ê-kíp kỹ thuật và quay phim (hình ảnh, décor, trang phục, âm thanh, montage…), công nhân, ngoại cảnh (địa điểm quay phim), công việc hậu kỳ…
Điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu phải đụng chạm tới vấn đề này.
Khi phim hợp tác Việt Nam – Trung Quốc “Trạng sư Trần Mộng Cát” yêu cầu được chiếu vào giờ vàng thì “HTV yêu cầu muốn phát giờ vàng thì phải tăng thời lượng quay tại Việt Nam, chỉ 4 tập (trên tổng số 40 tập) là quá ít, phía Việt Nam phải được phân nửa số tập” (xem bài viết “Vì “giờ vàng” hay thiếu tính chuyên nghiệp?” – SGGP 25-6-2009).
HTV đã có lý khi đòi hỏi như vậy…
Một cảnh trong phim Cổ vật - TT sản xuất phim truyền hình Việt Nam.