Theo truyền thuyết thì đây là nghi lễ tạ ơn thần mặt trăng- vốn được đồng bào Khmer coi là vị thần điều động mùa màng trong năm. Vì vậy mà nghi lễ cúng trăng trang nghiêm, huyền bí diễn ra cùng lúc ở tất cả các ngôi chùa và hầu hết các gia đình, nhà cửa được quét dọn, trang hoàng lại cho tươm tất, sạch sẽ.
Chiếc cổng được làm bằng một cây tầm vông lớn treo hoa vạn thọ, cúc... và bên dưới kê một chiếc bàn lớn bày lễ vật cúng trăng. Lễ vật là những loại hoa quả mà họ thu hoạch được trong tháng như chuối, cam, bưởi, dừa, đu đủ, khoai lang, mía cùng một lễ vật không thể thiếu là cốm dẹp. Cốm dẹp được làm từ loại lúa nếp mới chín đỏ rồi trộn với đường, nước dừa, cơm dừa nạo.
Mọi người trong gia đình từ trẻ tới già ngồi quây quần trước bàn lễ chắp tay hướng về phía trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên hẳn tỏa sáng muôn nơi thì đèn nhang trên bàn thờ được thắp lên và vị chủ lễ bước ra khấn vái cảm ơn thần mặt trăng, xin thần chứng kiến, nhận các lễ vật của con người và phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, cho mưa thuận gió hòa, cho cây trái xanh tốt, trĩu quả, cho mùa màng bội thu. Sau đó vị chủ lễ bốc cốm dẹp cho vào miệng những đứa trẻ. Khi cho cốm xong, vuốt lên lưng từng đứa để hỏi xem chúng có ước muốn gì. Từ những câu trả lời của đứa trẻ người ta sẽ đoán điều tốt xấu trong năm tới. Sau nghi lễ đút cốm dẹp cho trẻ con, mọi người trong gia đình cùng hưởng lễ và vui vẻ ca hát cho đến sáng.
Cùng với lễ cúng trăng trang nghiêm trong đêm rằm, những hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, cuốn hút và phong phú mang đậm bản sắc văn hóa Khmer trong dịp này đã góp phần đáng kể tạo nên không khí hội hè sôi động của ngày lễ.
Ðến gần ngày rằm tháng 10, thị xã Sóc Trăng là nơi thu hút đồng bào Khmer ở Nam Bộ đổ về vui chơi, múa hát. Ðêm 14 theo lịch âm, cả thị xã tràn ngập người, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những trò chơi, văn nghệ dân gian, múa lâm thôn, răm bông, hát dù kê, thi thả đèn nước, đèn gió, thi đấu bi sắt... và đỉnh điểm là lễ hội đua ghe ngo diễn ra trưa hôm rằm, người ta ước có tới hàng trăm nghìn người theo dõi và hò reo cổ vũ cho các đội đua.
Ghe ngo là một loại ghe độc mộc được khoét và đẽo từ một thân cây gỗ quý lớn và thẳng. Hình dáng ghe ngo tựa như vành trăng lưỡi liềm, đầu và ghe cong vênh lên, chiều ngang hẹp chừng 0,8m nhưng dài tới 30m và chứa khoảng 50 tay đua. Trên thân ghe ngo những người thợ dùng sơn vẽ hình đầu rồng, đuôi phụng, hình sư tử, báo, cá sấu,... với mầu sắc rực rỡ và dũng mãnh. Trước ngày đua, ghe được cất giữ và bảo quản như một báu vật linh thiêng tại chùa ở các phum, sóc.
Từ nhiều năm nay, dòng sông chảy qua thị xã Sóc Trăng được đồng bào Khmer chọn làm địa điểm đua ghe ngo, trưa ngày rằm hội đua mới bắt đầu nhưng ngay từ sáng, nhân dân và du khách đã đến chờ xem cuộc đua.
Trước đây chỉ có các đội nam tham dự hội đua, nhưng đến năm 2003 có thêm các đội nữ tham gia tranh tài. Mỗi đội đua thường có 50 thành viên gồm người chỉ huy, người cầm dầm lấy nhịp, phụ lái và những quân dầm bơi. Trang phục của các đội thống nhất, quần áo, nón và đều có mầu sắc rực rỡ. Sau tiếng pháo lệnh của vị sư chủ lễ giữa tiếng reo hò đến vang trời của cổ động viên trên bờ, các tay dầm cúi rạp người đẩy ghe lao vút về phía trước. Từng cặp ghe đua tài với nhau theo thể thức loại trực tiếp để đến cuối ngày còn lại hai ghe mạnh nhất đua tài tranh giải nhất. Nhiều ghe bị lật, cả đội nhào xuống sông nhưng họ vẫn bình tĩnh leo lên đua tiếp. Phần thưởng vật chất cho đội đua không nhiều nhưng phần thưởng tinh thần vô cùng lớn, đó là niềm kiêu hãnh cho phum, sóc và ngôi chùa quê mình, đồng thời là lời tạ ơn vị thần mặt trăng có ý nghĩa nhất trong buổi lễ đêm rằm.
Theo năm tháng, lễ hội Oóc Om Bok ngày càng gắn chặt với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer ở Nam Bộ như một nghi lễ tôn giáo đặc trưng, một ngày hội tưng bừng, náo nhiệt, giúp đồng bào cùng hòa nhịp chung sống, làm giàu cho quê hương.