Và lúc này đây, nỗi niềm đau đáu cũng là cốt cách làm người của bà - mang ơn và trả ơn - đã lặng lẽ đi vào đất trời, bình an và thanh thản.
Mới đây thôi, ngay trước sinh nhật lần thứ 99, bà cùng tôi, hai thầy trò ngồi tâm tình. Chuyện đời còn nhớ nhớ quên quên. Duy chuyện nghề là bà tinh anh, minh mẫn. Hơn nửa thế kỷ, ấy vậy mà những trình thức vũ đạo, kiểu nói lối gối bài ca, cách nhả chữ, nhấn câu đều được bà tinh tường qua những vai diễn đã đi cùng lịch sử cải lương như Bạch Thu Hà, Mộc Quế Anh, Tô Ánh Nguyệt, cô Lựu, Lữ Bố...
Từ đào thương sang kép võ, bà đoan trang đó, đôi chút lẳng lơ đó rồi lại khôi ngô, tuấn tú và uy dũng lạ thường đó. Tôi thâu tóm hết vào tầm mắt, đôi tai và cả niềm đam mê chưa bao giờ nguôi trong mình “bảo tàng sống” về nghệ thuật ca kịch dân tộc đang được đánh thức. Bất chợt ngậm ngùi, giá như những di sản kia được ghi chép lại, được bảo tồn, được truyền lưu...
Năm 1979, khi tôi đang trên sàn tập của vở Thái hậu Dương Vân Nga, bà lặng lẽ ngồi một góc, dù đang là tư cách của một cố vấn nghệ thuật. Đến đoạn độc thoại “giáo gươm”, bà dứt khoát nói với đạo diễn Lưu Chi Lăng: “Anh cho tôi mấy tiếng đàn tranh rao trước khi Bạch Tuyết nói lối”. “Vì sao vậy chị Bảy?”. “Đặt dân tộc lên trên gia tộc, quên niềm riêng vì nghĩa chung, người phụ nữ đầy quyền lực ấy đang đơn độc lắm, tôi muốn tiếng đàn tranh lót đường cho Bạch Tuyết...”. Đạo diễn tài ba Lưu Chi Lăng nhìn bà đầy thán phục.
Đêm công diễn Thái hậu Dương Vân Nga tưởng thưởng mấy trăm chiến sĩ tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngập chìm giữa những tràng pháo tay không ngớt, tôi thầm cảm ơn những tiếng đàn tranh đơn độc của bà... NSND Phùng Há không chỉ dạy cho tôi cốt cách của nghề mà còn là nhân cách làm người, làm nghệ sĩ dân tộc, là vậy...
Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, một đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Sau khi đến TP.HCM và được đi thăm chùa Nghệ Sĩ (Q. Gò Vấp), Ban ái hữu nghệ sĩ (Q.1), Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8), những đồng nghiệp nước bạn đã thốt lên: “Chúng tôi có thể tự hào với nền nghệ thuật kinh kịch đặc sắc nhưng chúng tôi đã không thể nghĩ được và làm được điều mà nghệ sĩ các bạn đã làm, đó là xây dựng một cụm công trình văn hóa cho chính giới nghệ sĩ”.
Nói chữ nghĩa, đôi khi chuyện lại thành... to tát. Còn những việc làm thật sự thiết thân thì bà và những đồng môn như NSND Năm Châu, Ba Vân, soạn giả Trần Hữu Trang, thương nhân Huỳnh Văn Phát... từ hơn nửa thế kỷ trước đã chắt chiu từng thửa đất, đồng tiền để người nghệ sĩ sau đêm hát còn có chỗ nương náu, trở về. Cũng chỉ vì bài học biết ơn và trả ơn kia mà ngay khi đang trên đỉnh vinh quang hay ở tuổi xế chiều, bà cứ canh cánh, không chỉ là “lo cho nghệ sĩ già, neo đơn thì cũng có chỗ rồi, nay còn thế hệ sắp tới, nếu cứ để tụi nhỏ con em nghệ sĩ sinh ra, lớn lên trong đoàn hát, nghèo, không được ăn học thì hậu vận của cải lương sẽ thế nào đây...”.
1g30 sáng 5-7, tôi cùng NSƯT Nam Hùng đón bà từ bệnh viện về lại chùa Nghệ Sĩ. Bà đã trở về nhà. Như một định mệnh, lúc này bà lặng lẽ trở về để rồi ngày mai lại lên đường với một chuyến lưu diễn xa xôi, vô tận...
NSƯT BẠCH TUYẾT
“Tôi sẽ toại nguyện khi chia tay...”
0g30 sáng 5-7-2009, sau một tuần nằm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, NSND Phùng Há - vị tổ sống còn lại của sân khấu cải lương VN - đã qua đời do tuổi cao sức yếu, thượng thọ 99 tuổi.
NSND Phùng Há (nhũ danh Trương Phụng Hảo) sinh ngày 30-4-1911 tại Tiền Giang. Năm 13 tuổi nhờ có chất giọng trời phú, từ một công nhân đóng gạch bà đã được mời đi hát cho gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho. Sau đó bà tham gia rất nhiều gánh hát: Phi Long, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú, Việt Kịch Năm Châu...
Sự nghiệp của bà gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cải lương VN bằng những vai diễn đáng nhớ: Lữ Bố (Lữ Bố hí Điêu Thuyền), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Lựu (Đời cô Lựu), Dương Quý Phi (Tình sử Dương Quý Phi), Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều)... Bà nhận rất nhiều học trò, con nuôi, cháu nuôi để truyền nghề, truyền đạo của nghề. Những thế hệ học trò của bà như Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Thanh Tâm... đều đã trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng, góp phần đưa nghệ thuật cải lương lên đến đỉnh điểm của hào quang một thời.
Khi còn đứng trên sân khấu, bà là một NSND Phùng Há vừa ngọt ngào vừa sắc sảo, vừa uyển chuyển lại vừa mạnh mẽ. Khi đã lui về sau tấm màn nhung, bà lại là một má Bảy tận tụy của những mảnh đời khốn khó. Họ không còn xa lạ gì với hình ảnh một bà cụ gầy gò, móm mém vẫn lặn lội đến từng thôn xóm để trao tận tay từng ký gạo, từng gói mì. Những ngày nằm trên giường bệnh, dù bị suy tim, suy thận, chỉ uống được sữa và cũng không còn sức để nói nhưng bà vẫn lên kế hoạch thực hiện chuyến đi trao quà từ thiện lần thứ 43 ở Bình Thuận vào ngày 19-7 tới. Nhưng bà đã không thể đi được nữa...
Có lẽ vì thế mà trong nghi lễ nhập quan bà tại chùa Nghệ Sĩ chiều ngày 5-7 đã có rất đông bà con lao động nghèo tìm đến, có người tận Hóc Môn, Bình Chánh khi nghe tin cũng hối hả chạy về. Có người khóc, có người lặng đi khi nhìn má Bảy nằm đó - nét mặt nhẹ nhõm và bình thản như chính cách sống của bà gần tròn một thế kỷ qua.
Mấy năm gần đây khi đến dịp mừng thọ của mình, bà đều thiết tha ghi trong thư mời thế này: “Hiện nay sức khỏe của tôi đã yếu... Tôi mong các vị hảo tâm, nghệ sĩ, bạn bè, em cháu nếu thương tôi, thay vì biếu cho riêng tôi quà cáp thì hãy ủng hộ đợt cứu trợ hoặc tùy hỉ đóng góp vào quỹ nhân đạo để giúp người hoạn nạn. Nếu được như thế, tôi sẽ toại nguyện khi chia tay mọi người”...
Lễ viếng bắt đầu vào 18g ngày 5-7-2009 tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Đến 10g ngày 8-7, linh cữu sẽ được đưa về quàn tiếp tại chùa Nghệ Sĩ (Gò Vấp), trên đường đi sẽ ghé viếng Hội Sân khấu TP.HCM (5B Võ Văn Tần, Q.3) và Ban ái hữu nghệ sĩ (133 Cô Bắc, Q.1). Lễ truy điệu tổ chức lúc 8g ngày 10-7, sau đó an táng tại nghĩa trang Nghệ Sĩ (Q.Gò Vấp).
Lễ tang NSND Phùng Há do UBND TP.HCM, Sở VH-TT-DL, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức. Ban tổ chức tang lễ có chuẩn bị vòng hoa luân lưu để các đơn vị, cá nhân vào viếng. Thay vào đó, mọi người có thể quyên góp tiền mặt ủng hộ quỹ cứu trợ người nghèo của chùa Nghệ Sĩ, theo tâm nguyện cả đời của cố NSND Phùng Há.
H.OANH
“Bà mẹ cải lương”
Tôi gọi NSND Phùng Há là má Bảy. Mà hầu như ai - bất kể là nghệ sĩ, khán giả, đủ mọi ngành nghề, đủ mọi lứa tuổi - cũng đều thân thương gọi bà là má Bảy.
Năm 12 tuổi, lần đầu tiên tôi mới được gặp má Bảy bằng xương bằng thịt tại buổi diễn vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ của đoàn Thủ Đô, dù trước đó tôi đã nghe ba má kể nhiều về bà trong những lần họ qua đoàn Phụng Hảo học hát. Khi đó tôi và mấy anh em trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ đang trải chiếu đóng bộ tuồng Tàu. Má Bảy thấy thế liền hỏi: “Sao mấy đứa nhỏ này ngồi dưới đất tội nghiệp quá bây?”. Nói rồi má cho chúng tôi tiền đóng tủ để cất những bộ phục trang quý. Tôi đã trân trân nhìn má cứ như một bà tiên “ước gì được nấy” vậy!
Hai năm sau, tôi lại... trân trân nhìn má Bảy hát tuồng Mạnh Lệ Quân tại đình Cầu Quan (trụ sở của bầu Thắng - Minh Tơ). Tôi từng xem rất nhiều người hát vai này, trong đó có cả má ruột của tôi. Nhưng ở má Bảy tôi vẫn thấy có rất nhiều cái mới khi bà đã gạn lọc được những tinh túy của hát bội, kết hợp với ca ra bộ và sự du nhập của hồ quảng để tạo thành một Mạnh Lệ Quân mà trong đầu óc của một đứa trẻ như tôi bây giờ chỉ có hai từ “cao siêu”!
Năm 1975, đất nước đang trong thời kỳ “sắp xếp” lại với bao khó khăn, thử thách. Các đoàn hát trước đó đã giải tán nên tôi đi bán bánh mì thịt để sống qua ngày. Giữa tháng 8, có người mách nước cho tôi nên tìm đến luật sư Trịnh Đình Thảo để nhờ giúp đỡ đi hát lại. Nhưng ông ấy không biết tôi và bảo nếu có sự bảo lãnh của Phùng Há thì mới được. Dù đã lâu không gặp nhưng khi nghe tôi vừa dè dặt mở lời qua điện thoại, má Bảy liền bảo: “Má đi liền!”. Mà không chỉ riêng tôi, má Bảy còn giúp đỡ rất nhiều nghệ sĩ khác như Thành Được, Hữu Phước khi gặp khó khăn, thiếu thốn. Mọi người vẫn bảo má Bảy giống như một mái nhà, một chén cơm, một chiếc giường của người hoạn nạn khi họ biết má và khi má biết họ.
Còn tôi, tôi quả quyết xem má Bảy là một “bà mẹ cải lương” vô tiền khoán hậu! Trước đó chưa có ai có đủ tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm để làm nghề như bà và sau này cũng chưa chắc gì có được. Những năm tháng cuối đời, dù tuổi già sức yếu và thường xuyên bệnh tật nhưng hễ nghe thấy tiếng đờn là má cố ngồi dậy để múa, để hát. Không phải má Bảy đang “ngứa nghề”, muốn thể hiện đâu! Tôi cam đoan là má đang sợ - sợ nằm xuống mà đem theo những điều chưa kịp gửi gắm hết cho cải lương, cho cuộc đời...
NSND THANH TÒNG (H.Oanh ghi)
Đông đảo nghệ sĩ cải lương và khán giả đến viếng NSND Phùng Há tại chùa Nghệ Sĩ chiều 5-7 - Ảnh: Gia Tiến