Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
381
123.294.109

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đề xuất Dạ cổ hoài lang là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Hội thảo 90 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, diễn ra vào sáng 29-7, tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM.

Hầu hết các ý kiến trao đổi xoay quanh việc thống nhất nhận định giá trị của bản Dạ cổ hoài lang về nghệ thuật, bài bản, nhịp điệu, lời ca... và ghi nhận công lao của những nghệ sĩ tiền bối đã cách tân bản Dạ cổ hoài lang để trở thành bài ca vọng cổ.

 

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết đã thực hiện công trình nghiên cứu về Dạ cổ hoài lang và thông qua hội thảo này đề xuất với Nhà nước công nhận bản Dạ cổ hoài lang là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sau đó giới thiệu rộng rãi đến bè bạn thế giới bằng nhiều loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, theo GS-TS Trần Văn Khê, khát vọng đó mang tính dân tộc rất cao, đáng tự hào nhưng xét về mặt ngôn ngữ học, cần phải có nhiều nghiên cứu khoa học để xác định đâu là bản gốc của Dạ cổ hoài lang. Theo ông: “Quá trình giao lưu của  nghệ sĩ ba miền, nhiều dị bản Dạ cổ hoài lang đã xuất hiện. Theo tôi cần có nhiều chỗ phải xác định cho đúng ngữ nghĩa của người Nam Bộ, chẳng hạn câu “Báu kiếm sắc phán lên đàng”. Theo tôi từ “báu” là tiếng Nôm thường không ghép chung từ “kiếm”. Nếu có ghép thì phải là “kiếm báu”, vì thế theo tôi, hai chữ “bảo kiếm” đúng hơn. “Sắc” là chiếu chỉ của nhà vua, “phán” là quyết định của nhà vua nhưng thường trong các truyện Trung Quốc dịch ra tiếng Việt thì dùng chữ phán khi có mặt nhà vua, còn chữ phong là phong tước, phong lộc cho triều thần (thể hiện bằng văn bản). Trong tự điển Hán -Việt của Đào Duy Anh có cụm từ “sắc phong” mà không có “sắc phán”. Về mặt âm nhạc, câu nhạc là “liu, cống, liu, cống, xê, xàng” nếu tiếng đàn “liu” để ca từ “sắc” thì “cống” phải thấp hơn “liu”. Bởi vậy, phải ca là “sắc phong”, dễ hơn và đúng hơn “sắc phán...”. GS-TS Trần Văn Khê nhấn mạnh: “Định lại nét nhạc, định lại lời ca cho đúng để khi giới thiệu với quốc tế về bản nhạc được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thì phải chuẩn về mặt ngôn ngữ học”.

 

Nghệ nhân Bạch Huệ ca bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 tại hội thảo 90 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang .ảnh: Thanh Hiệp

Thanh Hiệp - NLD.COM.VN