PAN style="FONT-FAMILY: Arial; FONT-SIZE: 10pt">
Căn phòng trống trơn, hai bên tường lởm chởm vết đinh vì toàn bộ tranh trên tường đã được tháo dỡ chuẩn bị cho buổi triển lãm ngày 5-8.
Trịnh Long không ngồi dậy được, anh chỉ nhúc nhắc cái cổ, thỉnh thoảng huơ huơ cánh tay phải một cách mệt mỏi. Long vừa nói chuyện, người nhà vừa massage chân cho anh rồi treo một chân lên bằng chiếc ròng rọc gắn trên trần nhà. Long giải thích: "Cái ròng rọc này trước dùng để "cẩu người" lên xuống ôtô, vào giường. Nhưng giờ nó dùng để treo chân vì hai chân tì vào nhau tím hết lại".
Ðã mười năm nay Long sống cuộc sống của một người không thể vận động như thế!
Anh từng là một thanh niên đẹp trai và khỏe mạnh, một giảng viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp đầy hoài bão và mơ ước cho đến một ngày tai nạn khiến anh bị ngã chệch khớp cổ, toàn thân bất động, chỉ còn cái đầu tỉnh táo: "Tôi tưởng như phát điên khi biết được sự thật nhưng vẫn hi vọng. Ðến một ngày không thể hi vọng nữa thì chấp nhận. Chấp nhận sống cuộc sống của một người tàn tật, không thể điều khiển được chân tay theo suy nghĩ của mình, không thể điều khiển nổi những hành động nhỏ nhất.
Rồi tôi nghĩ mình phải làm gì đó. Vẽ chẳng hạn. Tôi yêu vẽ nhưng chưa có dịp để vẽ, bởi nghề của tôi là dạy về trang trí nội thất. Cố tập cho một cánh tay có thể cử động được cũng phải mất hơn một năm. Tôi nhờ Hồ Nam (một bạn học đại học) làm hộ một chiếc kẹp có thể buộc vào cánh tay và buộc cả cọ vẽ để đưa đi đưa lại theo chiều dọc. Bắt đầu từ năm 2001, tôi vẽ những bức tranh đầu tiên bằng sự cử động của cánh tay và cổ tay. Ðề tài của tôi không nhiều, tôi vẽ chân dung những người bạn, người thân và những người quen hay đến thăm tôi".
Long vẽ chậm, anh bảo mỗi ngày chỉ vẽ được khoảng hai giờ, cánh tay lại không hoàn toàn theo được sự điều khiển, nhất là vẽ những chi tiết nhỏ, bởi vậy những mảng màu hiện lên rất khó khăn. Có bức phải hoàn thành trong hai năm...
Mỗi tác phẩm sau khi hoàn thành, Trịnh Long đều tặng bạn bè và nhận lấy nụ cười rạng rỡ của người nhận, trong đó có cả cô giúp việc. Niềm vui không nhiều ấy khiến anh có thêm động lực để vẽ, thấy kiên trì hơn sau rất nhiều thất bại. Ðó là những bức chân dung: Em Huệ, Chị Nina, Cháu Ngọc Trâm, Chân dung tự họa, Bạn Quỳnh Trang, Em Lan, Thiếu nữ, Ký ức... và một số bức theo trường phái siêu thực: Sự sống, Mùa vĩnh cửu...
"Phần còn lại tôi vẽ bằng ký ức những gì từng nhìn thấy, từng được đi qua khi chưa bị tai nạn, đó là những bức Phong cảnh Sa Pa, Phong cảnh vùng cao, Phong cảnh Cát Bà, Trước biển...".
Trong tám năm lao động miệt mài, Trịnh Long đã cho ra đời gần 50 tác phẩm và hầu hết anh tặng bạn bè. Anh cũng cố gắng ngồi lên để sử dụng máy tính bằng cách buộc con chuột vào bàn tay phải và buộc một dụng cụ như compa vào bàn tay trái để có thể nhấn phím Enter. Thế giới của Long mở rộng ra bởi Internet và báo chí. Trong gần 50 bức tranh ấy, có những bức Long đã vẽ bằng những hình ảnh nhìn thấy trên tivi và trên báo.
Niềm đam mê được vẽ và tìm hiểu thế giới khiến Long có lúc quên mình đang bị liệt, anh ngồi nhiều đến nỗi khi vào bệnh viện bác sĩ nói anh không thể ngồi được nữa, nếu cố ngồi thì tác hại thật vô cùng.
Từ đó đến nay Long không thể vẽ nữa...
Anh nằm bất động từ năm 2008.
Và bạn bè đã tập hợp những bức tranh anh vẽ, chia nhau mỗi người một việc, người in sách, người in giấy mời, người lo phòng triển lãm... để Long được trưng bày 36 bức tranh, thành quả sáng tạo đầy khó nhọc của Trịnh Long trong tám năm qua.
Ðây là triển lãm duy nhất không có tác giả, bởi Long không thể đến phòng triển lãm. Chỉ có đĩa phim quay Long nói lời cảm ơn và tri ân với bạn bè, lời xin lỗi đối với khách xem tranh.
Ðó cũng đã là một sự cố gắng quá sức lớn của Long trong những ngày này!
Sự sống - tranh sơn dầu (2001-2007). Tên tranh cũng là tên cuộc triển lãm của họa sĩ Trịnh Long diễn ra từ ngày 5 đến hết 12-8-2009 tại Trung tâm nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.