Vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) dự kiến ra mắt công chúng tại Nhà hát Bến Thành (TPHCM) từ ngày 15-8. Nhưng sau đêm diễn ra mắt báo chí và giới chuyên môn, dư luận trong và ngoài giới đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Sáng 4-8, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM đã tổ chức cuộc tọa đàm nghệ sĩ và công chúng với chủ đề Sân khấu với đề tài lịch sử, với vấn đề đặt ra là chấp nhận sự hư cấu hay chỉ trung thành với chính sử trong một tác phẩm nghệ thuật.
Ngán ngại làm đề tài lịch sử
Hầu hết các ý kiến tham gia cuộc tọa đàm đều thống nhất nhận định đề tài lịch sử là một vùng đất rộng lớn và màu mỡ để nghệ thuật sân khấu khai thác. Thế nhưng không ít người tỏ ra lo ngại khi đặt chân vào mảnh đất này, vì nếu không có chủ định, sẽ như người bị lạc vào rừng hoặc trôi dạt ra biển cả mênh mông. Càng không thể viết và dàn dựng nếu chỉ tham khảo các tư liệu ghi lại trong sách sử. Nếu trong tác phẩm, vai diễn không có điều gì mới để làm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo hoặc tình cảm, tâm linh của người nghệ sĩ thì tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử đó không thu hút người xem.
Tác giả Phi Hùng cho biết ông đã từng sáng tác hai kịch bản đề tài lịch sử là Chu Văn An và Cho đời soi gương. Ông mạnh dạn hư cấu Chu Văn An có một người con gái nuôi là Chu Lan, tình yêu của cô với con trai Dương Nhật Lễ - một nhà vua khét tiếng độc ác - đã góp phần tô đậm hơn chủ đề muốn nhấn mạnh trong vở, đó là sự độc ác không giết chết tình yêu và cao hơn là lòng yêu nước. Và sự hư cấu này được đạo diễn, nghệ sĩ thể hiện chấp nhận, công chúng đón nhận”.
Đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân khiến ngày càng hiếm những vở sử hay vì tác giả ngại viết khi chưa rành sử, hoặc tâm huyết của họ bị thử thách khi cứ lo sợ phần hư cấu sẽ bị cho là xuyên tạc, rồi bị cấm diễn.
Khi sân khấu cả nước hiếm có vở đề tài lịch sử hay, thế hệ trẻ không có cơ hội xem tác phẩm lịch sử được đầu tư đỉnh cao, mà chỉ thấy toàn hài kịch, kịch sinh hoạt, cải lương hương xa, kiếm hiệp..., màn ảnh thì phát sóng quá nhiều phim truyền hình lịch sử Trung Quốc...”.
Hư cấu mức độ nào?
Tìm ra cái chuẩn trong việc hư cấu của kịch bản lịch sử hiện nay là điều rắc rối không chỉ của giới sáng tác sân khấu. Giáo sư Huỳnh Lứa khẳng định: “Phải chuẩn hóa việc nhất thiết hư cấu ở mức độ nào, vì làm nghệ thuật phục vụ công chúng chứ không phải là chép sử trên sàn diễn.
Nếu chép sử thì khán giả đọc sử qua sách chứ việc gì phải đến sân khấu. Dưới ánh đèn sáng tạo của người nghệ sĩ, những tính cách, sự kiện, tình huống cần được tô đậm với những hư cấu mang ý thức sáng tạo riêng của người nghệ sĩ. Cần lắm một thế hệ nghệ sĩ am tường sử Việt để hư cấu đúng với chính sử, đúng với hiện thực có thể xảy ra”.
Theo giáo sư sử học Huỳnh Lứa: “Dựng một tác phẩm nghệ thuật về lịch sử phải tuân thủ các nguyên tắc: Trung thành với chính sử; có sự trao đổi, tìm tòi, nghiên cứu để hư cấu một sự kiện, một tình huống nhưng phải mang cơ sở hiện thực. Nghĩa là sự hư cấu đó có khả năng xảy ra trong giai đoạn lịch sử đó. Nếu áp đặt mà không có cơ sở sẽ bóp méo, dẫn đến xuyên tạc rất nguy hiểm”.
TPHCM - trung tâm văn hóa lớn của cả nước - trong 32 năm qua đã có nhiều tác phẩm sân khấu lịch sử được viết và dàn dựng, tạo được tính đột phá về mặt hư cấu, thuyết phục công chúng, như: Rạng ngọc Côn Sơn, Hoàng hậu hai vua, Hồn thơ ngọc, Thất trảm sớ, Dưới cờ Tây Sơn, Tô Hiến Thành xử án, Câu thơ yên ngựa, Anh hùng bán than, Nhụy Kiều tướng quân, Má hồng soi kiếm bạc, Chu Văn An, Bí mật vườn Lệ Chi, Tả quân Lê Văn Duyệt... và nhiều vở kịch thiếu nhi đã dàn dựng dựa theo lịch sử, như: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Yết Kiêu tập trận...
Điều quan trọng khi hư cấu kịch bản là dựa theo chính sử để nhằm làm sống lại những giá trị tinh thần cho người xem hôm nay. Đi vào đề tài lịch sử, người sáng tạo nghệ thuật cần chọn chất liệu phù hợp, có trữ lượng tư tưởng và trữ lượng hành động lớn để xây dựng tác phẩm. Tác phẩm đó sẽ như ngôi nhà, khu vườn của riêng mình. Cũng đừng quên rằng ngôi nhà, khu vườn đó được nhiều người để mắt tới. Không thể nói rằng vì là ngôi nhà riêng nên muốn làm gì thì làm, cũng không thể để ngôi nhà của mình giống những ngôi nhà khác.
Ở đây cần giải quyết mối quan hệ giữa “tính chung nhất” và “tính cá biệt”. Các ý kiến đều cho rằng cơ quan quản lý cũng như các nhà nghiên cứu sử học và cả công chúng nên có cái nhìn thoáng hơn đối với các tác phẩm nghệ thuật khai thác đề tài lịch sử, để nghệ sĩ không phải quá dè dặt trong sáng tạo, tắt ngúm lửa yêu nghề.
Nghệ sĩ Hữu Châu:
Xin đừng quy chụp
Tôi bức xúc khi có dư luận cho rằng vở Ngàn năm tình sử hư cấu câu chuyện tình của Lý Thường Kiệt với Thuận Khanh đã phá đi cốt cách anh hùng của nhân vật trong lịch sử. Tại sao chúng tôi không được quyền nghĩ rằng Lý Thường Kiệt cũng có một tình yêu mà nói theo giáo sư Huỳnh Lứa thì sự hư cấu này mang tính hiện thực, có thể xảy ra.
Chúng tôi mong muốn được thể hiện tinh thần lịch sử và con người lịch sử theo cách nghĩ của thời đại hôm nay.
Lý giải một vấn đề lịch sử bằng hư cấu, chúng tôi đã có nhiều suy nghĩ, nghiên cứu để tin rằng sự hư cấu đó có thể xảy ra trong hiện thực, vì thế xin đừng quy chụp và làm tắt đi ngọn lửa yêu nghề của chúng tôi.
Đạo diễn Ái Như:
Làm ít mà quan ngại nhiều
Tôi chưa bao giờ dám dựng kịch lịch sử vì tôi biết mình sẽ gặp khó. Cái khó ở chỗ tìm ra cái chuẩn trong việc hư cấu và thuyết phục công chúng tin vào sự hư cấu đó.
Rõ ràng, đọc sử với những dòng chép cô đọng, từ nhà Lý đến nhà Trần đã thấy rối và nếu làm thì càng khó có thể hư cấu đúng.
Chúng ta làm ít nhưng lại quan ngại quá nhiều, rồi sẽ về đâu nếu chỉ dựa vào sự khen chê theo kiểu thương ghét mà thiếu tính lý luận, thiếu tính thực tiễn, thông qua các tác phẩm sân khấu lịch sử.
Cảnh trong vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử- ảnh: Thanh Hiệp