Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
384
123.294.115

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Goncourt 2007 : Alabama Song - hay - Cái chết của loài bướm chúa
Đôi vợ chồng Zelda và Scott Fitzgerald là hai ngôi sao sáng ở Tây phương vào thập niên 1920. Scott là một nhà văn Mỹ tên tuổi, còn Zelda thuộc một gia đình quyền quý, tiểu bang Alabama.

Cả hai đều trẻ, đẹp, sang trọng tuyệt vời. Thế nhưng, bề ngoài đó lại che khuất cả một bi kịch, nhất là đối với Zelda, tài sắc vẹn toàn, nhưng bị chồng ganh tỵ, bức hiếp. Trong tác phẩm Alabama Song, nhà văn Pháp Gilles Leroy đã khôi phục danh dự cho Zelda.

 

Những năm 20 thế kỷ trước, Zelda và Scott Fitzgerald xuất hiện như hai ngôi sao sáng nhất trên vòm trời Tây phương. Đôi vợ chồng son tiếng tăm lẫy lừng : Scott Fitzgerald đang chiếm ngôi vị nhà văn Mỹ được trả tiền nhuận bút cao nhất Hoa Kỳ, còn Zelda thuộc một gia đình quyền quý, tiểu bang Alabama, từ khi kết hôn vơí Scott, được tất cả báo giới theo dõi, chụp ảnh, ca ngợi như công chúa thời đại mới. Cả hai đều trẻ, đẹp, sang trọng tuyệt vời, tiền tài danh vọng, sức quyến rũ, họ là những đứa con cưng của Thượng đế. Họ đã được ban phát tất cả những gì có khả năng tạo nên hạnh phúc.

 

Trong một bức ảnh chụp năm 1921, còn lưu lại đến ngày nay, từ Zelda và Scott Fitzgerald tỏa ra một thứ hào quang của con người xuất chúng, biểu trưng của những định mệnh huy hoàng. Ta có thể hình dung trong thành phố New York thời đó, họ náo nhiệt buông mình vào những cuộc chơi không tàn, những dạ hội tràn ngập ánh đèn dập dìu tài tử giai nhân, áo quần thơm tho, trang sức đắt tiền. Cuộc đời cứ trải rộng trước mắt, miên man, như Scott Fitzgerald kể lại sau này rằng niềm vui sống sờ sờ ra đó, ta có thể chạm vào ở đầu ngón tay.

 

Bay cao để rồi chìm sâu

 

Nổi tiếng nhờ dòng văn thanh tao, tác giả của tiểu thuyết Gatsby le Magnifique, Scott Fitzgerald dẫn vợ chu du thiên hạ. Paris, Roma, bờ biển Địa Trung Hải, quay về Mỹ, rồi lại trở sang châu Âu nhiều năm ròng, họ cùng đứa con gái phiêu bạt giang hồ.

 

Sau này, một người bạn của Scott kể lại cảnh gặp gỡ đôi vợ chồng tại đại lộ Champs-Elysées Paris rằng họ ăn mặc sang trọng đến mức mọi người phải trầm trồ. Họ là hiện thân của cái đẹp. Tại kinh đô của ánh sáng, họ làm quen với Ernest Hemingway. Chính Hemingway đã ví Scott Fitzgerald như một con bươm bướm với đôi cánh rực rỡ phấn hoa.

 

Nhưng loài bướm chúa cũng có ngày rụng cánh. Scott và Zelda đã bay cao rồi sẽ chìm sâu, giấc mơ biến thành cơn ác mộng thăm thẳm. Scott sa vào tật nghiện rượu. Zelda mắc bệnh tâm thần suy nhược, nhiều lần toan tự vẫn. Bác sĩ danh tiếng của Thụy sĩ chẩn đoán Zelda bị bệnh tâm thần phân lập. Nàng thường xuyên bị ảo giác truy bức. Có lần, đôi vợ chồng lái xe bên bờ Địa Trung Hải, tại Côte d’Azur, Zelda toan lao xe xuống vực thẳm, cả hai suýt chết. Scott đưa Zelda vào các bệnh viện đắt tiền nhất. Nguời ta buộc phải chữa trị Zelda bằng xung điện. Khi bệnh tình thuyên giảm, Scott đưa Zelda về Mỹ nhưng bệnh điên lại hoành hành.

 

Chẳng những vậy, nét kiều diễm ngày nào của Zelda bị chứng bệnh Eczêma tàn phá. Trên làn da đẹp cứ nổi lên những mảng mụn lăn tăn phỏng đỏ. Giai nhân biến thành người đàn bà dị dạng. Zelda sống trong một nhà thương điện tại North Carolina Hoa Kỳ để rồi cái chết thảm khốc ập đến. Một đêm, toà nhà bị hỏa hoạn nhưng phòng bệnh nhân lại bị khóa cửa. Zelda chết thiêu trong các ngọn lửa vô tình như những mụ phù thủy ngày xưa. Trước đó vài năm, Scott Fitzgerald cũng đã qua đời tại Hollywood, sau khi sống ẩn dật những năm cuối cùng. Scott Fitzgerald chỉ 44 tuổi.

 

Alabama Song hay Tự truyện của nàng Zelda

 

Cuộc đời Scott và Zelda là một chuỗi vinh nhục đầy bí ẩn. Nhà văn Pháp Gilles Leroy đã khảo sát những rạo rực ban đầu, rồi những đổ vỡ rạn nứt trong tâm hồn của Zelda, tiềm tàng lâu năm trước những năm chúng bộc phát thành căn bệnh điên. Tiểu thuyết Alabama Song được viết dưới dạng tự truyện. Nhân vật xưng Tôi là Zelda. Cốt chuyện dựa trên những sự kiện có thực nhưng nhiều nhân vật, nhiều tình huống ở đây được hư cấu, gói ghém với nhau, đan lẫn với sự thật lịch sử, để tạo dựng bề dầy tâm lý, chuyển tải ý tưởng chủ đạo của tác giả.

 

Đó là mô tả nội tâm của một người đàn bà, tài sắc vẹn toàn nhưng bị chồng cấm đoán viết văn và bị ức chế. Scott ghen tuông và ganh tỵ với vợ. Gilles Leroy phục hồi cho Zelda Fitzgerald. Dưới ngòi bút của ông, Zelda là nhân vật có cá tính mạnh mẽ hơn chồng, nhưng phải nép mình trong chiếc bóng vĩ đại của Scott Fitzgerald, người được xã hội và thế giới ca tụng như nhà văn lỗi lạc nhất nhì thời đại. Người ta đâu biết rằng Scott tự ti, mặc cảm với vợ. Anh biết rõ tâm hồn của Zelda sâu sắc hơn mình nhiều.

 

Về sau này và đây là sự thật, Scott Fitzgerald đã viết lại rằng : « Nhiều lúc ở Zelda bùng cháy một ngọn lửa sinh động hơn tất cả những gì bản thân tôi được trải nghiệm ». Scott cũng linh cảm thấy rằng một người đàn bà mãnh liệt như Zelda cần tìm đến một người đàn ông tương xứng. Anh ngờ rằng mình yếu đuối hơn vợ, kém cỏi hơn vợ, không đủ năng lực để thỏa mãn những đam mê của Zelda. Ở một đoạn văn trong tiểu thuyết Alabama Song, Zelda độc thoại như sau : « Cơ thể ta là một dòng sông. Cơ thể ta mang tên là Alabama. Ở trung tâm cơ thể này là tam giác châu thổ. Đôi chân dài của ta vẽ lên một quần đảo mang tên niềm hưng phấn. »

 

Gilles Leroy mô tả thuở mới bước vào đời, Zelda đã rạo rực cái bản năng vùng đất mới miền nam Hoa Kỳ như vậy đó. Nàng muốn đạp đổ mọi cấm kỵ, phá bỏ mọi ràng buộc xã hội. Nàng mong sao trốn khỏi cái thế giới chật hẹp của tỉnh lẻ để vẫy vùng như con thiên nga giữa trời đất. 18 tuổi, Zelda gặp Scott lúc đó mới 22. Cả hai chạy về phía trước mặt, tưởng rằng địa đàng đầy cám dỗ sẽ vô tận. Nhưng cả hai đều chạy theo ảo ảnh.

 

Họ tưởng rằng đấy là tình yêu và hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, cả Zelda và Scott đều đầy tham vọng và gần gũi nhau như anh em sinh đôi hơn là một cặp tình nhân. Quan hệ của họ giống như quan hệ hai kẻ song hành chứ không phải mối tình đắm đuối họ phô trương trước mắt công chúng. Chuyến chu du thiên hạ là cơ hội nhận diện chính mình, phát hiện những điều ngộ nhận, những ảo vọng não nề.

 

Cho đến tháng 7 năm 1924, trong Alabama Song, Zelda gặp được một người tình đích thực tại bờ biển nước Pháp, là chàng phi công cường tráng, tên là Edouard Jozan. Từ đó trở đi, đôi vợ chồng đánh mất hẳn sự tin tưởng lẫn nhau. Scott sa vào các cơn say. Zelda đã bắt đầu đổ bệnh trầm trọng. Hết cãi vã, xỉ vả, oán giận nhau ngày này qua ngày khác, họ lại ngồi chung nhau bên chén rượư giải sầu.

 

Có nhân chứng kể lại rằng Scott bị khủng hoảng và càng uống mạnh, càng uống bạo, uống cho đến lúc tuyệt vọng. Anh ta uống rượu như thể đang âm mưu một vụ án mạng, như thể anh ta toan thủ tiêu một cái gì đó trong cơ thể chính mình. Còn Zelda từ đó đắm chìm trong căn bệnh trầm kha như thể nàng muốn hành hạ chính mình, trong khi Scott tự tra tấn bằng chai whisky, rồi chai gin, rồi bia, rồi rượu vang.

 

Vài ngày trước khi lìa đời, tháng 12 năm 1940, Scott Fitzgerald đã viết lại một bức thư cho đứa con gái duy nhất. Ông nói về Zelda như sau : « Những người mất trí mãi mãi là những khách trọ trên trần gian, vĩnh viễn xa lạ với đời. Họ mang theo họ những tảng đá ghi tạc 10 điều răn mà họ không bao giờ biết giải mã »

 

Bi kịch của Zelda có lẽ vì vậy được thăng hoa. Con người cực đoan phá cách này luôn luôn vượt lên trên số phận thảm thương của chính mình, để lại đằng sau những hồi quang đầy quyền rũ của một con bướm chúa./.

 

Nhà văn Pháp Gilles Leroy và hình bìa tác phẩm Alabama Song đoạt giải Goncourt 2007

(Ảnh : Reuters)

Bảo Thạch - rfi
Tin tức khác