Công trình đồ sộ này là tổng hợp các khảo cứu của tác giả từ nhiều năm qua, vốn cũng là cây bút phân tích quen thuộc trên các tạp chí như Hợp Lưu, Thơ, Phố Văn, Làng Văn, Thời Báo, Talawas, Đàn Chim Việt, Thông Luận...
Vốn là nhà sư phạm, có điều kiện cập nhật các công trình nghiên cứu đương đại về triết học thế giới, Nguyễn Ước đã phát triển phương pháp tư duy Văn-Sử sẵn có để hệ thống hóa và trình bày tổng thể kho tàng triết học thế giới đến với độc giả Việt Nam.
Đó cũng là nguyên tắc Logos - xuất phát điểm từ khái niệm "ngôn từ" trong tiếng Hi Lạp cổ đại chuyển thành tư duy hệ thống như "-logy" - mà các nhà sư phạm hay dùng như một lối tiếp cận phổ biến.
"Tôi dùng lối tiếp cận giáo khoa cho sinh viên học sinh, với phần phụ lục như tiểu thuyết triết học, và trình bày theo lối nói thông thường, vì người Việt Nam thường tìm hiểu cảm tính hơn là lý tính", tác giả chia sẻ với BBC.
Các trường phái đối lập được đặt cạnh nhau: duy tâm - duy vật, siêu thực - thực dụng, phương Tây - phương Đông, xa vời - thực tiễn... mà quan điểm của tác giả là "hoài nghi" và đối chiếu, hệ thống hóa cho phù hợp với người Việt Nam để giúp người đọc tiếp cận một cách dễ dàng nhất vào kho tàng tri thức của thế giới.
Có lẽ đó là lý do khiến học giả Bùi Văn Nam Sơn, trong phần giới thiệu, đã xác định giá trị của bộ sách như một tấm "bản đồ", mà người viết là người "hướng đạo, vừa đồng hành cùng ta trong tình thân ái, vừa có đủ kinh nghiệm và sự thành thạo để không chỉ giúp ta khỏi lạc lối mà còn khuyên ta thỉnh thoảng nên dừng lại đúng lúc, đúng chỗ để thưởng thức bao cỏ lạ hoa thơm."
Mặc dù Nguyễn Ước chính thức làm việc liên tục "hai năm, mỗi ngày 10 giờ" để hoàn thành bộ sách, nhưng công trình là thành quả của một quá trình "tích lũy của bản thân và của người khác" lâu dài hơn nhiều, như lời chia sẻ.
Con đường triết học của Nguyễn Ước trải dài và rộng theo thời gian và không gian
Con đường triết học của ông bắt đầu từ những giờ học triết ở trường Luật và Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, tiếp tục bằng những khóa triết nâng cao ở Toronto, nơi tác giả định cư từ năm 1991, và đọc sách, tra cứu.
"Sách Triết của Tây trong thư viện nhiều như rừng như núi", là lời giải thích của ông tại sao muốn soạn bộ sách này để giúp các bạn trẻ Việt Nam ít nhiều tiếp cận hệ thống triết học thế giới trong điều kiện sách khoa học còn ít và thiếu.
Là người Công giáo, nhưng các bộ sách của Nguyễn Ước về đạo Phật và triết học Ấn Độ đang được truy cập nhiều trên các trang mạng như Thư viện Hoa Sen, bên cạnh những biên khảo về hệ giá trị Kitô trên tủ sách Dũng Lạc.
Học triết phương Tây, nhưng Đạo, Nho và Ấn giáo là các đề tài thường được ông giới thiệu trên Talawas; là người Việt, nhưng Do Thái giáo, chủ nghĩa máy móc hay triết học La Mã Hi Lạp cổ đại là những đề tài được Nguyễn Ước trình bày trên Văn nghệ ĐBSCL (Văn Chương Việt).
Có lẽ bề rộng về kiến thức và bề sâu về phương pháp phân tích đối chiếu đã giúp tác giả thoát khỏi cách nhìn quá thiên về một trường phái, như ông từng nhận xét rằng "các sách triết Đông phương ở Việt Nam dùng quá nhiều từ Hán Việt, còn sách triết Tây phương thì chỉ dịch, trình bày khúc mắc, thiếu tham khảo, hoặc chỉ đứng trên phương diện duy vật chủ nghĩa", trong phỏng vấn dành cho BBC tiếng Việt nhân dịp phát hành sách.
Bộ sách ba quyển về đại cương triết học của Nguyễn Ước là một trong số rất nhiều công trình đang tiếp tục được NXB Tri Thức phát hành tại Việt Nam, giúp mở rộng và nâng cao điều kiện tri thức cho xã hội./.