Ông Trần Đình Thành, chuyên viên Phòng Quản lý di tích cho biết, cục có nhận được văn bản đề nghị của UBND huyện Thanh Trì về việc lập lại bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình thờ Chu Văn An, và hạ giải lầu bình thơ để mở rộng khu di tích. Liền sau đó, cục đã có Văn bản số 1119/DSVH-DT khẳng định rõ quan điểm ủng hộ về mặt chủ trương việc điều chỉnh chỉ giới khoanh vùng di tích, nắn tuyến đường cục bộ Kim Giang, để tránh sự xâm hại cho di tích.
Tuy nhiên, trong văn bản này cục cũng lưu ý, UBND huyện và Sở VH-TT-DL Hà Nội phải cần phải tiến hành các thủ tục cần thiết liên quan đến việc điều chỉnh chỉ giới khoanh vùng được quy định tại Điều 32 của Luật Di sản. Đồng thời, văn bản cũng nói rõ “Chỉ tiến hành hạ giải lầu bình thơ sau khi hồ sơ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích được Bộ VH-TT-DL thỏa thuận”. Ông Thành khẳng định những văn bản trên của cục không được coi là bản thỏa thuận mà chỉ mang tính hướng dẫn. Đối với những di tích cấp quốc gia, thì cấp bộ mới có quyền đưa ra những quyết định, những văn bản thỏa thuận.
Do đó có thể khẳng định việc hạ giải lầu bình thơ để nắn đường như đã đề cập chưa được sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL. Hơn thế, ông Thành còn cho biết, theo quy “Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh” ban hành kèm theo Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT, của Bộ trưởng Bộ VH-TT nay là Bộ VH-TT-DL thì hồ sơ dự án và thiết kế tu bổ tôn tạo di tích cấp quốc gia như đình thờ Chu Văn An phải được gửi lên bộ thẩm định và phê duyệt.
Tuy nhiên, với dự án tu bổ, tôn tạo ngôi đình thờ Tiên triết Chu Văn An, công trình được xếp hạng di tích quốc gia, với tổng kinh phí lên tới hơn 13 tỷ đồng cho tới thời điểm này vẫn chưa hề gửi hồ sơ và gửi văn bản xin thẩm định lên Bộ VH-TT-DL. Trong tuần tới, Cục Di sản cũng sẽ cử đoàn xuống kiểm tra việc tu bổ và tôn tạo di tích này.