Cuộc triển lãm trưng bày và giới thiệu 150 hình ảnh, hiện vật theo 3 nội dung chính:
Thứ nhất là các bản đồ cùng tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa. Ở nội dung này, người xem thấy ngay bên trái cửa ra vào tấm bảng nhỏ màu xanh với dòng chữ trắng, trích nội dung của Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục, cho biết ngày trước triều Nguyễn thiết lập một đội Hoàng Sa gồm 70 suất, mỗi năm luân phiên nhau đi biển, khởi hành vào tháng giêng. Mỗi người trong đội Hoàng Sa trên được phát trước 6 tháng lương, chèo 5 chiếc thuyền câu suốt ba ngày ba đêm mới đến Hoàng Sa... Đến tháng 3 hằng năm, đội Hoàng Sa ấy mới trở về, tới thành Phú Xuân (Huế) trình nạp các vật đã thu lượm được. Người ta cân, thẩm định và xếp hạng các sản vật ấy, rồi mới cho đội này đem riêng những con ốc hoa, những con hải ba, hải sâm đi bán. Bấy giờ đội ấy được nhận lãnh bằng chứng nhận để trở về nhà. Những vật lượm nhặt được ngoài biển có khi nhiều, có khi ít không nhất định... Bản đồ do Đỗ Bá vẽ và in trong toàn tập Thiên Nam chi lộ đồ thư đã không dùng từ thuần Hán như Trường Sa - Hoàng Sa mà dùng chữ Bãi cát vàng (tức Hoàng Sa), bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ, dụ của vua Minh Mạng thưởng cho đoàn đo đạc Hoàng Sa năm 1836, bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Nam Yết, tờ châu bản của vua Bảo Đại năm 1939 liên quan đến Hoàng Sa (do nhà nghiên cứu Phan Thuận An từ Huế gửi vào)...
“...Có nhiều hải vật chở đi bán các miền nên nhà nước đã thành lập đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật ấy (...). Giữa các núi là nước mênh mông, đi từ đảo này sang đảo khác phải mất một ngày đường biển, hoặc mấy trống canh mới đến. Họa hoằn lắm trên các ngọn núi, các đảo, mới tìm thấy suối nước ngọt rỉ ra. Trên đảo có bãi cát vàng rất rộng, dài hơn 30 dặm, nước trong veo có thể nhìn thấy tận đáy” - Theo Lê Quý Đôn
Thứ hai, giới thiệu các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam khu vực Hoàng Sa - Trường Sa, trong đó có nhiều hình ảnh về hải quân Việt Nam làm chủ Trường Sa ngày 29.4.1975, đoàn đại biểu cao cấp QĐNDVN thăm quần đảo Trường Sa năm 1976, các đơn vị pháo, bộ đội công binh đang sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục xây dựng nhiều công trình trên vùng biển đảo hiện nay. Cạnh đó là nhiều hình ảnh và tài liệu thể hiện tấm lòng của quân dân từ đất liền hướng đến Hoàng Sa - Trường Sa trong những thập niên qua.
Thứ ba, trưng bày một số hiện vật và các tác phẩm viết về Hoàng Sa - Trường Sa đã xuất bản lâu nay, trong đó có cuốn Hoàng Sa - Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế của Nguyễn Q.Thắng, do NXB Tri Thức ấn hành năm 2008, với nhiều tư liệu mới khẳng định chủ quyền Việt Nam, kèm theo phụ lục bản đồ chi tiết các đảo trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (theo bản vẽ của tác giả Võ Long Tê), bản đồ theo Dumoutier, bản đồ của anh em Van Langren, bản đồ trong sách của Chemillier-Gendreau, bản đồ Đại Thanh đế quốc của Trung Quốc trước đây (không có vẽ 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam), một số bức chụp từ máy bay xuống (không ảnh) về Hoàng Sa trước năm 1975. Tác phẩm đó cũng trích dẫn một số chi tiết lý thú do học giả Lê Quý Đôn ghi lại về vùng biển đảo này của nước ta. Trích dẫn cho biết có vô số tổ yến trên các đảo và hằng hà sa số chim ấy tụ về rợp đất, khi thấy người lên bờ chúng vẫn thản nhiên bay đến đậu chung quanh không né tránh gì hết...
Tất cả đều góp phần minh chứng chủ quyền và sự hiện diện lâu đời của người Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa...
Một bức ảnh được giới thiệu tại triển lãm