Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
521
123.295.464

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Xã hội hóa làm nên tác phẩm đỉnh cao!
Lâu nay những đơn vị làm nghệ thuật quốc doanh cứ cho rằng muốn có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao thì Nhà nước phải đầu tư kinh phí. Cùng với Bí mật vườn Lệ Chi trước đó, Ngàn năm tình sử và Nỏ thần ra đời đã phủ nhận hoàn toàn

Sau Bí mật vườn Lệ Chi đạt hiệu quả cao cả về giá trị nghệ thuật lẫn doanh thu, Sân khấu IDECAF tiếp tục đầu tư vở Ngàn năm tình sử. Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng đã góp vào đời sống sân khấu TPHCM một vở kịch đề tài lịch sử: Nỏ thần. Cả hai vở kịch của hai đơn vị sân khấu xã hội hóa tại TPHCM đang thu hút đông đảo khán giả và sự quan tâm của dư luận - một điều hiếm thấy trên sân khấu các đơn vị nghệ thuật Nhà nước những năm gần đây.

 

Thắng cả nghệ thuật lẫn doanh thu

 

Vở diễn Ngàn năm tình sử đã diễn được 18 suất tại Nhà hát Bến Thành. Để được xem vở này, người xem phải đặt mua vé trước 2 tuần nhưng không dễ. Thị trường vé chợ đen sẵn sàng mua lại vé giá cao nhưng vẫn không có vé để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đây là tác phẩm dựa theo câu chuyện hư cấu về nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt, được dàn dựng công phu, hoành tráng với mức kinh phí trên 400 triệu đồng. Vở Nỏ thần của Sân khấu Kịch Phú Nhuận, có vốn đầu tư trên 300 triệu đồng, mới ra mắt khán giả và báo giới trong hai ngày 12 và 13-9 nhưng vé của vở diễn này cũng đang lên cơn sốt đối với khán giả yêu kịch khi rạp Kim Châu xếp lịch diễn trước khi vở tham dự Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Nỏ thần ra đời trong tư thế dàn dựng một tác phẩm lịch sử có giá trị nghệ thuật cao nhằm phục vụ công chúng yêu kịch và tạo điều kiện cho diễn viên trẻ có cơ hội thử sức mình. Đây cũng là vở mà Sân khấu Kịch Phú Nhuận thăm dò để mạnh dạn hướng tới việc dàn dựng nhiều tác phẩm đỉnh cao của một sân khấu kịch vốn có thế mạnh về dựng kịch hài và kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Ngoài sức hút khán giả, cả hai vở diễn đã nhận được nhiều lời ngợi khen của giới chuyên môn và công luận.

 

Sự đầu tư của hai đơn vị này đã khẳng định thế mạnh mới của mô hình xã hội hóa: Làm vở nghiêm túc, không chạy theo thị hiếu khán giả vẫn đạt hiệu quả cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật. Như vậy, đâu cần nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư mới có tác phẩm đỉnh cao!

 

Xóa bỏ định kiến

 

Sự tự thân vận động của khối sân khấu xã hội hóa đã cho thấy mô hình này đang đi đúng hướng. Thành quả họ đạt được cho thấy các sân khấu xã hội hóa không chỉ chăm chú dàn dựng vở diễn hài, đề tài sex, đồng tính, ma quỷ... mà khi cần dàn dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, họ vẫn dùng tiền của chính mình để đầu tư và dàn dựng một cách nghiêm túc. Tính ăn khách của những vở kịch lấy đề tài lịch sử trên sân khấu kịch xã hội hóa đã khẳng định những suy nghĩ lâu nay của một số nhà quản lý, nhà chuyên môn cho rằng sân khấu kịch xã hội hóa chỉ giỏi nhạy bén với thị trường, cho ra đời những vở diễn nhàn nhạt, cười cợt, khêu gợi để kinh doanh chứ không thể có được những tác phẩm sân khấu nghiêm túc là võ đoán. Nghệ sĩ Phước Sang, Giám đốc Sân khấu Kịch Sài Gòn, phát biểu: “Chúng tôi không ngại việc đầu tư kinh phí dựng vở. Thậm chí, chúng tôi có thể đầu tư 1 tỉ đồng cho một tác phẩm đỉnh cao. Chúng tôi xác định khi có được một vở diễn hay, được dàn dựng công phu, hoành tráng, đáp ứng được lòng mong đợi của công chúng thì không sợ việc không bán được vé".

 

Cái chính là sự hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như cơ sở vật chất cho khối sân khấu xã hội hóa. Thử nhìn lại xem 32 năm qua có được bao nhiêu rạp hát, nhà hát được xây dựng tại TPHCM, nơi được xem là trung tâm văn hóa của cả nước? Hầu hết các sân khấu xã hội hóa đều phải thuê mướn mặt bằng cải tạo thành sàn diễn để hoạt động. Kịch IDECAF thuê của Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp; Kịch Phú Nhuận thuê Trung tâm văn hóa Phú Nhuận; rạp Kim Châu, Kịch Sài Gòn thuê rạp Đại Đồng thuộc Trung tâm văn hóa quận 3; Kịch Nụ cười mới phải ở thuê rạp Măng Non của thiếu nhi... Vậy mà các đơn vị này vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển tốt, đúng hướng. Vậy tại sao chưa có một tổng kết nào để khẳng định mô hình xã hội hóa sân khấu, để đầu tư chiều sâu?

 

Rót đầy kinh phí làm vở rồi... "trùm mền"

 

Cả nước hiện có gần 20 đoàn nghệ thuật kịch nói công lập, nhiều năm qua vẫn hoạt động dưới hình thức được Nhà nước cấp kinh phí dựng vở và trả lương cho diễn viên, nhân viên. Trên thực tế không có nhiều đoàn đạt hiệu quả cả về mặt doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật. Ở phía Bắc, đời sống sân khấu kịch được đánh giá là ngủ dài trong mùa đông, khi các đơn vị sân khấu công lập hầu như chỉ dựng vở để biểu diễn phục vụ miễn phí theo chỉ định và chờ tham gia hội diễn. Ngân sách Nhà nước đã trở thành bầu sữa được các đơn vị công lập trông chờ. Mô hình sân khấu xã hội hóa ra đời đã trở thành lực lượng đối trọng với sân khấu công lập. Nhà hát Kịch TPHCM một năm được cấp kinh phí hơn 1 tỉ đồng, đã từng dàn dựng vở Tả quân Lê Văn Duyệt với kinh phí gần 1 tỉ đồng, trong đó có phần kinh phí tự vận động nhưng số suất diễn không cao, lại chịu số phận “trùm mền” quá sớm. Các đơn vị công lập ở phía Bắc cũng trong tình trạng tương tự. Có đoàn mỗi năm Nhà nước rót trên 1 tỉ đồng, vở mới cứ ra đời liên tục nhưng rồi lại cất kho sau vài suất công diễn hoặc đưa vào kế hoạch biểu diễn phục vụ miễn phí tại địa phương...

 

Một vấn đề đang đặt ra là cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc trước mùa Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp năm 2009 về vai trò của các đơn vị hoạt động sân khấu xã hội hóa, để có chính sách hỗ trợ đúng mức của Nhà nước.

 

Cảnh trong vở Nỏ thần. ảnh: Thanh Hiệp  

Thanh Hiệp - NLD
Tin tức khác
Riêng chung (13.09.2009)