Lấy bài đầu tiên “Ngôi Nhà Số 11” làm tên chung cho cuốn sách viết về những hồi ức hoài niệm của một thời xa xưa. Trong ngôi nhà có “Ông Bầu” là thân phụ của tác giả và cũng là nhân vật chính, đạo diễn của đội bóng đá, mà trong đó những “danh thủ” là mỗi tựa bài mang tên các thành viên “Hậu Vệ”, “Tiền Vệ”, Trung Phong”, “Thủ Môn”. Xin trích một đoạn được mô tả về chàng “Thủ Môn”: “…Họ đưa những bàn tay rụng hết ngón vỗ vào nhau phát ra những âm thanh đục ngầu, bình bình. Và anh Tỵ, người thủ môn một thời vang bóng, chồm mình nhảy ra chụp lấy trái banh đang hướng về khung thành một cách khó khăn, trái banh mấy lần vụt khỏi bàn tay, rơi xuống đất, vồng lên, vồng xuống, anh Tỵ như con mèo vồ chuột, té lên té xuống, chụp lấy trái banh ôm vào lòng…”.
Ngoài ngôi nhà và đội bóng, tập sách còn có vài đoản văn khác, mà trong đó có một “Chạnh Lòng” thân thiết đề cập đến một người bạn phương xa: “Đọc những tác phẩm hắn viết sau này, tôi vẫn xúc động như xưa. Vẫn một mạch, như dòng suối miên man chảy. Cuộc chiến mà cả thế hệ chúng tôi dã gánh chịu, vẫn còn thấm đậm trong lòng hắn. dù bao năm trôi qua, không còn tiếng súng. Dù lịch sử có lập đi lập lại. Nhưng với thiên chức của nhà văn bao giờ cũng phải nói lên những nỗi đau do chiến tranh gây nên. Phải không Trần Hoài Thư”