Mùa thu 1987, tôi gặp Thảo Phương lần đầu tại nhà Phạm Quốc Ca ở Đà Lạt. Cả hai đều dạy trường này và làm thơ. Cô giáo Nguyễn Mai Hương (tên khai sinh của Thảo Phương) đọc vài bài thơ có hồn nhưng chưa ấn tượng lắm.
Trong câu chuyện, Phương thở dài: “Đà Lạt thơ mộng thế mà em khó làm thơ, có lẽ...”. Cái chấm chấm đằng sau “có lẽ” đã trở thành hiện thực không ngờ. Năm 1990 gặp lại Phương ở Sài Gòn, cô tâm sự đã tự nguyện “mất dạy”, kéo tuột năm đứa con trai về Sài Gòn rồi.
Giữa những cơn đói, những khốn khó đời thường, thơ Thảo Phương bắt đầu khác trước. Năm 1991, tôi vào Sài Gòn làm “Tạp chí âm nhạc”, anh em hay tụ bạ uống ở Quán Trúc. Sự tụ bạ đó được Thảo Phương xả vào thơ: “Không được là con chim điên hạnh phúc/ Tôi lang thang ghé lại phố Buồn/ Phố vẫn hàng cây đứng sững/ Con phố Buồn - buồn hiu...”. Nhờ có Phương mà phố ấy được gọi “phố Buồn”. Bài thơ mang tên Bài ca buồn sau đó được Trần Chính phổ nhạc.
Vài năm sau, mùa đông 1994, đã nghe Ngọc Tân hát trong chương trình độc diễn Biển của một thời, ca khúc Phú Quang phỏng thơ Thảo Phương mang tên Nỗi nhớ mùa đông. Đó là nỗi nhớ của những người phương bắc rét lạnh vào cư trú phương nam nắng gió. Nỗi nhớ rét. Nhưng qua thơ Thảo Phương và nhạc Phú Quang, nỗi nhớ ấy đã khắc vào lòng người: “Làm sao về được mùa đông/Mùa thu cây cầu đã gẫy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về”.
Càng lúc thơ Thảo Phương càng chín. Từ tập Thơ Thảo Phương đến Người đàn bà do đàn ông sinh ra. Rồi tập thơ song ngữ Khúc ca thời gian. Năm ngoái, tôi và Bảo Ninh cùng anh em đang uống thì nhận tin Thảo Phương ra đi ở tuổi lục tuần. Một đắng ngắt dâng ngang ly. Lúc ấy mới biết Bảo Ninh từng học cùng Thảo Phương.
Giỗ đầu Thảo Phương, thật cảm động nhận được tập sách Dường như một giấc chiêm bao do nhóm bạn bè Trần Phú Nhạc, Dung Hòa, Thomas, Ngọc Phương, Thanh Châu... ấn hành như nén nhang thơm trước “Người đàn bà thơ”.
Tập sách in thơ, những ca khúc phổ thơ, những tác phẩm văn xuôi của chị và những lời chia tay của gia đình, bè bạn. Đêm 7/11, tập sách ra mắt tại nhà hàng Vương miện, 50 Võ Văn Tần - TP Hồ Chí Minh.