Dưới sự chủ trì của Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Phạm Văn Linh, các đại biểu trao đổi những nội dung cơ bản, phổ thông về biển, đảo như luật biển quốc tế và hệ thống pháp luật về biển, đảo Việt Nam, các cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị cũng thảo luận những vấn đề như chống buôn lậu trên biển, đảo, tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền tài phán vùng biển của Việt Nam, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Căn cứ vào các quy định của Công ước 1982 và của Ủy ban ranh giới thềm lục địa LHQ cũng như điều kiện tự nhiên của vùng biển Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam có thềm lục địa vượt quá 200 hải lý.
Theo điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển và yêu cầu về chính trị, pháp lý, Việt Nam phân chia vùng thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của mình thành 3 khu vực là khu vực phía Bắc, khu vực giữa và khu vực phía Nam (Báo cáo chung với Malaysia), trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực giữa và phía Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.
Vụ trưởng, Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến cho hay: "Là quốc gia ven biển, Việt Nam cần xây dựng Báo cáo quốc gia trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa LHQ để bảo đảm quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, đồng thời có cơ sở khoa học để đưa ra các quy định về ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam".
Tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã chính thức trình Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa ra LHQ. Theo ông Chiến, trong Báo cáo này, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên không sử dụng các dẫn chiếu khoa học từ các quần đảo này để thực hiện Báo cáo. Điều này phù hợp với quy định của điều 121 trong Công ước của LHQ về Luật biển 1982 về quy chế đảo.
Báo cáo khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển và thềm lục địa được quy định theo Công ước 1982, tuân thủ Công ước 1982 và tôn trọng các điều ước cũng như hiệp định quốc tế về phân định biển đã được ký kết và có hiệu lực giữa các nước liên quan.
Việt Nam cũng cho rằng việc xây dựng Báo cáo trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa LHQ về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý và việc Ủy ban này xem xét Báo cáo không ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền biển đảo và việc phân định biển giữa Việt Nam với các nước liên quan sau này.
Sau khi Việt Nam nộp Báo cáo thềm lục địa ra LHQ, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại LHQ đã gửi các công hàm đến Tổng thư ký LHQ phản đối hai báo cáo trên, yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa không xem xét Báo cáo chung và Báo cáo khu vực phía Bắc của Việt Nam, và lần đầu tiên chính thức khẳng định yêu sách trên Biển Đông theo đường "chín đoạn" (đường lưỡi bò).
Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã gửi công hàm phản đối công hàm của phía Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ yêu sách đường "chín đoạn", coi đây là yêu sách phi lý, không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.
Ảnh: VNN