chương trình khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên lần 1-2009 sẽ diễn ra vào 20 giờ , 12-11 tại Quảng trường 17-3 (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Âm vang đại ngàn
Chương trình được bắt đầu bằng tiếng gióng trống khai hội của già làng bên nhà rông. Sân khấu sẽ được tạo thành một vòng tròn lớn với 1.000 diễn viên mang chiêng chụm lại thành hình chiếc chiêng khổng lồ, thể hiện động tác đánh chiêng; sau đó các diễn viên sẽ cùng xoay chiêng tạo thành một bông hoa dã quỳ lớn. Đó có thể xem là một tiết mục mở màn ấn tượng của chương trình khai mạc lần này.
Sân khấu Quảng trường 17-3 được thiết kế thành hai bậc, sân khấu chính với hình ảnh nhà rông, chiêng đồng; còn sân khấu đại cảnh phục vụ cho các tiết mục biểu diễn hoành tráng, quy tụ hàng ngàn diễn viên quần chúng. Các tiết mục sẽ được diễn ra trên nền âm thanh chủ đạo là tiếng cồng chiêng, phối hợp cùng các điệu nhạc mang âm hưởng đặc trưng của đại ngàn. Chương trình gồm 14 đại cảnh, diễn ra trong thời lượng 70 phút, được chia làm 4 chủ đề chính: Thiên nhiên, đất nước và con người Tây Nguyên; Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây nguyên; Hội nhập và phát triển; Sức sống cồng chiêng kết nối đại đoàn kết dân tộc.
Sau tiết mục khai mạc là hình ảnh các thiếu nữ Tây Nguyên trong trang phục dân tộc Gia rai biểu diễn điệu múa hái lượm với những động tác trỉa bắp, trồng lúa. Cùng lúc đó dưới sân khấu đại cảnh sẽ là hình ảnh của rừng cây, miền đất đỏ, đồng lúa thể hiện cho hình ảnh cây, đất, lúa qua phần minh họa của 300 diễn viên quần chúng. Hình ảnh 11 dân tộc Tây Nguyên có không gian văn hóa cồng chiêng được công nhận di sản văn hóa được khắc họa hài hòa, sống động, có cả đàn voi 11 con trong trang phục dân tộc tham gia minh họa.
Không gian văn hóa cồng chiêng được thể hiện rõ nét với hình ảnh hàng ngàn chiếc chiêng qua các điệu múa, các bản nhạc hòa tấu cồng chiêng cùng phần múa tái hiện lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, mừng lúa mới; bên cạnh đó là tiết mục diễn xướng sử thi, kể khan, mời rượu... với ý nghĩa “trầm mình trong không gian nguyên sơ, cùng nhau nhảy múa để tìm lại diện mạo của mình trong buổi hồng hoang và lắng nghe những âm thanh vĩnh cửu của đại ngàn”.
Ngọn lửa cao nguyên được xem là tiết mục thể hiện được bản sắc, sức mạnh hùng tráng nhất của núi rừng Tây Nguyên. Trong tiếng chiêng dồn dập, điệu múa sẽ thể hiện sức sống đại ngàn hừng hực lửa – ngọn lửa đã biến quặng đồng thành quặng sắt, thành dụng cụ trỉa bắp, tra hạt; thành cồng chiêng và thành vũ khí bảo vệ buôn làng... Những người con của núi rừng: ca sĩ Siu Black, Y Moan... cũng sẽ gửi đến khán giả những giai điệu mang hồn Tây Nguyên, như Đôi mắt Pleiku, Đến với cao nguyên và những khúc dân ca Xê-đăng đặc sắc... Sân khấu sẽ được luân chuyển liên hồi bằng các tiểu cảnh và đại cảnh, với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên qua các tiết mục múa: Đất và người Gia Lai, Đến với cao nguyên, Lung linh không gian huyền thoại, lễ hội mừng vòng cây vòng đời, lễ mừng chiến thắng...
Lồng lộng hình ảnh núi rừng Tây Nguyên
Tiêu chí đặt ra cho Festival Cồng chiêng lần này là phải mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, bảo tồn và hội nhập của không gian văn hóa cồng chiêng; đồng thời quảng bá hình ảnh đẹp của vùng đất thiêng Tây Nguyên. Chính vì vậy mà trong đêm khai mạc, hàng chục ngàn du khách trong nước, quốc tế và hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được nhìn lại gần như toàn cảnh bức tranh núi rừng Tây Nguyên, được thể hiện trên sân khấu.
Với sự tham gia của lực lượng hùng hậu hơn 3.000 diễn viên quần chúng, các đoàn nghệ nhân tại Tây Nguyên và các đội cồng chiêng đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đại cảnh sân khấu sẽ luôn tạo thành một không gian rộn rã và ấm cúng. Không gian Tây Nguyên và đời sống của đồng bào dân tộc sẽ được tái hiện khá đầy đủ trong không khí hùng tráng của đêm hội lớn. Hình ảnh Biển Hồ, thác Chín tầng, thác Phú Cường, phong cảnh buôn làng, những đêm sinh hoạt lễ hội, thiếu nữ bên suối, đồi dã quỳ thơ mộng... sẽ xuất hiện liên tục trên nền sân khấu cùng với các tiết mục biểu diễn.
Các nghệ nhân cồng chiêng 5 nước bạn: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ cùng tham gia biểu diễn giao lưu trong chương trình. Du khách cũng sẽ được ngồi trên lưng voi, xe ngựa để hòa vào không khí lễ hội tại sân khấu đại cảnh. Lễ khai mạc sẽ được kết thúc bằng tiết mục múa chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng chính là mở ra đêm hội lớn khi 5 đống lửa sẽ được thắp trên sân khấu đại cảnh và du khách cũng có thể hòa vào những điệu múa mang sức sống của đại ngàn.
Các hoạt động sau đêm khai mạc
Sáng nay, 12-11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai sẽ khánh thành Bảo tàng tỉnh Gia Lai, đồng thời khai mạc triển lãm Không gian văn hóa cồng chiêng và khai hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ ngày 13 đến 15-11, chương trình trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng sẽ được diễn ra tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng và Khu Du lịch sinh thái Về Nguồn. Lễ đâm trâu và lễ mừng lúa mới sẽ được phục dựng vào hai ngày 14 và 15-11 tại Đồng Xanh. Các buổi tối sẽ là chương trình giao lưu cồng chiêng giữa các đoàn cồng chiêng trong nước và quốc tế. Ngoài ra, còn có các hoạt động triển lãm sinh vật cảnh, trình diễn tạc tượng, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao... Lễ bế mạc Festival Cồng chiêng sẽ diễn ra vào đêm 15-11.
Các diễn viên diễn tập các điệu múa chuẩn bị cho đêm khai mạc.ảnh: TIỂU QUYÊN