Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Phạm Thế Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, trong ngày Hội lớn này, âm thanh cồng chiêng hội tụ về đây, không phân biệt tiếng cồng, tiếng chiêng của các quốc gia, dân tộc. Một thông điệp của cả nền văn hóa đậm đà bản sắc được tấu lên, vang xa rồi lại hòa quyện để mãi mãi là thứ tài sản vô giá không bao giờ tách rời cuộc sống của con người.
Lễ bế mạc được dàn dựng công phu với các tiết mục: Truyền thuyết Biển Hồ, Vòng tay Đam San, Pleiku - chưa xa đã nhớ, và Thắp chung ngọn lửa quê hương. Tất cả chương trình diễn ra trên nền cồng chiêng mang sắc màu núi rừng Tây Nguyên. Những âm hưởng cồng chiêng các địa phương và các nước trong khu vực tham gia Festival giao hòa, tấu lên những khúc nhạc lúc trầm hùng, lúc đằm thắm gửi gắm tình người qua tiếng chiêng.
Và cuối cùng là lễ hội đường phố với 11 chú voi (biểu tượng cho 11 dân tộc thiểu số có cồng chiêng ở Tây Nguyên), các màn múa xoang, múa xòe, đánh cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân quốc tế và trong nước
Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi, Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai đọng lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng với những chương trình đặc sắc về cồng chiêng như trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng và nhiều hội Tây Nguyên có tiếng cồng chiêng như lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng, lễ hội mừng lúa mới…
Lần đầu tiên, 24 tỉnh, thành trong nước và 5 nước trong khu vực Đông Nam Á có chiêng được giao lưu trong những lễ hội truyền thống đã thể hiện tình đoàn kết quốc tế qua tiếng cồng chiêng. Không quản nắng gió của phố núi Pleiku, họ đã trình diễn hết mình những lễ hội truyền thống trong vũ điệu cồng chiêng. Với họ, tiếng cồng chiêng là tâm tình gửi tới đất trời, con người, những thông điệp về tình yêu cuộc sống và tình yêu nhân loại.
Từ đây, Tây Nguyên - nơi có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ mãi hấp dẫn trong hành trình khám phá của bao người. Lửa thiêng cao nguyên, lửa từ tấm lòng của người Tây Nguyên luôn cháy lên mời gọi.
Hoạt cảnh "sự tích Biển Hồ" mở màn đêm bế mạc Festival. Ảnh: An Dung.