Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.854 tác phẩm
2.760 tác giả
578
123.117.961

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Phạm Công Cúc Hoa đã có... tác giả
Truyện thơ Nôm Phạm Công Cúc Hoa lâu nay vẫn được xem như một tác phẩm văn học khuyết danh của VN, nay bất ngờ được biết đến tác giả nhờ vào tài liệu đưa ra triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, khai mạc sáng 25 và kéo dài đến 27-11.

Trong số tài liệu Hán Nôm triển lãm, quyển Phạm Công Cúc Hoa bản chữ Nôm, thuộc sở hữu của linh mục Nguyễn Hữu Triết, mang thông điệp quan trọng khi trên bìa quyển sách có in dòng chữ “Dương Minh Đức Thị trứ” (tác giả là Dương Minh Đức Thị). Điều này làm thay đổi quan điểm của các nhà nghiên cứu văn học lâu nay khi đề cập tác giả của truyện Nôm Phạm Công Cúc Hoa.

 

Đây là bản sách in khắc gỗ, xuất bản năm Canh Thìn (1880) tại Trung Quốc (Thiên Bảo Lâu Thư Cục ở Quảng Đông), hiệu sách Quảng Thạnh Nam ở Chợ Lớn tổng phát hành. Toàn truyện khắc đủ 3.884 câu và sáu bản cáo trạng theo thứ tự kể chuyện Phạm Công và Cúc Hoa, dạy chuyện đạo lý, tình nghĩa vợ chồng, tin tưởng làm việc thiện sẽ vượt qua khổ nạn.

 

Bên cạnh bản truyện Nôm đặc biệt này, triển lãm còn giới thiệu một loạt bộ sưu tập quý hiếm như sắc phong bằng lụa, giấy, các tài liệu có văn bản Hán Nôm trên các chất liệu sành sứ như bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn có văn bản chữ Nôm của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, sách đồng thời Tự Đức...

 

Và một hội thảo khoa học với chủ đề “Tài liệu Hán Nôm - bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc” sẽ diễn ra song song với cuộc triển lãm, huy động khoảng 20 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Hán Nôm từ Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và TP.HCM cùng các tỉnh phía Nam. Theo ông Bùi Xuân Đức - giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - sau hội thảo này thư viện sẽ có kế hoạch tập huấn kiến thức tu bổ tài liệu quý hiếm từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, tiến hành số hóa tài liệu để bảo quản và phát huy vốn di sản này đến với công chúng.

 

Trang bìa quyển sách Phạm Công Cúc Hoa có in niên đại và dòng chữ “Dương Minh Đức Thị trứ” (bên phải, phía trên) - Ảnh: L.Điền

LAM ĐIỀN - TTO