Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.854 tác phẩm
2.760 tác giả
631
123.116.770

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vương triều Lý - nghìn năm công lao
Hội thảo khoa học "1000 năm Vương triều Lý và kinh đô Thăng Long" được tổ chức vào ngày 21-12-2009, "đúng vào ngày cách đây 1000 năm xác lập Vương triều Lý, để rồi sau đó một năm diễn ra sự kiện dời đô". Mười thế kỷ đã qua đi, nay nhìn lại, công lao định đô cũng như những thành tựu xây dựng đất nước của vương triều này càng rõ, đặc biệt là khi tư liệu văn bia cũng như tư liệu khảo cổ học mỗi lúc một nhiều thêm.

Ðịnh đô ở Thăng Long - tầm nhìn xa của Lý Công Uẩn

 

Theo dòng lịch sử, đã có ý kiến cho rằng công lao định đô ở Thăng Long  không thuộc về  nhà Lý. Quan điểm này dựa trên sự kiện khi kháng chiến chống quân Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí đã đặt thủ phủ ở vùng đất là trung tâm Hà Nội hiện nay, mở chùa Khai Quốc (tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay).

 

Về điều này, PGS, TS Vũ Văn Quân (Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng: "Có thể coi Lý Bí là người Việt đầu tiên đã nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đấy, đến thời các chính quyền đô hộ phương bắc Tùy và Ðường, cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Dường như  đặc tính "đất đế vương" của Thăng Long - Hà Nội là một cái gì đó tự nhiên và đã được nhận thấy từ rất sớm. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Ðại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức đó".

 

Mặc dù vậy, ông Quân phân tích: "Nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nhận thức này được "tuyên ngôn" với những phân tích toàn diện - phản ánh một tầm nhìn xa, rộng đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long - Hà Nội qua Chiếu dời đô...". Ông Quân nhấn mạnh: "Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành quan trọng của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long - Hà Nội này".

 

Bên cạnh đó, sự chín muồi về nhận thức khi quyết định dời đô của Lý Công Uẩn còn thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô. Theo PGS, TS Nguyễn Hải Kế đây là quyết định vừa có tính đồng đại, vừa có tính lịch đại và đặc biệt còn thể hiện tinh thần muốn tham khảo ý kiến quần thần.

 

Trong bức Chiếu này, nếu như tính đồng đại được thể hiện qua việc phân tích địa thế thì tinh thần lịch đại lại rất rõ ở những phân tích bài học lịch sử của các triều đại đã qua. Sự chặt chẽ, muốn nghe lời góp ý lại thể hiện ở câu văn cuối "ý Các khanh thế nào". Sinh thời, cố GS Trần Quốc Vượng đánh giá: "Ðây là câu văn đắt nhất trong bài Chiếu. Ðó là cái thần của bài Chiếu nước Việt, là một bản sắc dân tộc, một bản sắc văn hóa Việt đầu đời Lý".

 

Lấy phát triển để phòng thủ

 

PGS, TS Vũ Văn Quân đánh giá: "Ðịnh đô ở Thăng Long thể hiện tư duy cầm quyền dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ".

 

Trước đó, hai nhà Ðinh - Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư. Ðây là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh vì Hoa Lư ở vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt. Nhưng Hoa Lư không thuận lợi về vị trí, về điều kiện tự nhiên để phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa số một của đất nước. Vì thế, lựa chọn này, trên một ý nghĩa nhất định, theo ông Quân, có thể xem là sự "hy sinh" phát triển để đáp ứng yêu cầu an ninh.

 

"Còn Thăng Long - Hà Nội, tuy có nhiều lợi thế song lại có hạn chế lớn, là ở vào nơi rất trống trải giữa vùng đồng bằng, khả năng phòng thủ kém. Chọn Thăng Long làm kinh đô là để phát triển mạnh mẽ đất nước, không phải là sự đánh đổi-hy sinh yếu tố an ninh để phát triển, mà là lấy phát triển để tạo ra khả năng quốc phòng, để bảo đảm an ninh. Có thể nhận thấy thực tế này ngay sau đó mấy thập kỷ kể từ khi Vương triều Lý được thành lập", ông Quân phân tích.     

 

Trên thực tế, Thăng Long ngay từ đầu đã trở thành trung tâm quyền lực với sự tập trung cao. Tính chất hội tụ (tập trung quyền lực, hội tụ cư dân), kết tinh (văn hóa) và lan tỏa (quyền lực và văn hóa) của Thăng Long thời Lý dần định hình. Trên cơ sở đó, Thăng Long cùng với cả nước thời Lý đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nó là bằng chứng sinh động về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển với an ninh - quốc phòng.

 

Thời kỳ rực rỡ của Nhà nước trung ương tập quyền

 

Ý kiến của GS Yu In-sun (Ðại học quốc gia Xơ-un, Hàn Quốc) nhận được nhiều phản hồi ngay trong hội thảo. Ông cho rằng, triều Lý không phải là một nhà nước tập quyền. GS Yu In-sun cũng dẫn quan điểm của học giả Nhật Bản Sa-ku-rai Y-u-mio cho rằng, chỉ có khu vực Thăng Long và vùng đất phía Tây Nam của nó là do nhà Lý trực tiếp quản lý. Nói cách khác, các học giả cùng quan điểm cho rằng nhà Lý chỉ cai quản vùng đồng bằng sông Hồng mà thôi.

 

Cũng phải nói rõ, thế kỷ 10 là cuộc đấu tranh không ngừng của cha ông ta để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia. Ðây cũng là thế kỷ của cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng tập quyền thống nhất và phân tán cát cứ (đỉnh điểm là cục diện mười hai sứ quân). Trong khi đó, hai nhiệm vụ có tính lịch sử của Việt Nam là chống ngoại xâm và trị thủy. Muốn vậy, chính quyền nhà nước, nhất là chính quyền trung ương phải vững mạnh, quốc gia phải thống nhất. Vì thế, ở thời điểm thành lập Vương triều Lý, tập quyền và thống nhất quốc gia phải là yêu cầu và xu thế của lịch sử Việt Nam.

 

Chính vì vậy, việc triều Lý có phải là Nhà nước trung ương tập quyền hay không sẽ quyết định sự tồn tại của vương triều cũng như những thành tựu của nó.

 

Về điều này, GS, TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Phát triển) khẳng định: "Chắc chắn Vương triều Lý là một Nhà nước trung ương tập quyền. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là chính quyền quân chủ tập quyền không phải ngay từ đầu đã kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ. Nhiều vùng xa kinh đô Thăng Long, nhất là ở các khu vực miền núi, biên giới, triều đình chưa chi phối được chặt chẽ. Chính quyền ở các châu, huyện miền núi thực tế vẫn nằm trong tay tù trưởng ở các sách, động".

 

"Trong bối cảnh khó khăn phức tạp như vậy, Lý Thái Tổ một mặt phải tìm mọi cách lôi kéo các tù trưởng miền biên viễn, mặt khác kiên quyết trừng trị các thế lực ngoan cố cát cứ và chống đối triều đình trung ương. Lý Thái Tổ là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thi hành chính sách "nhu viễn", dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc, lôi kéo các châu mục, tù trưởng có thế lực, khiến họ thành tay chân của nhà vua, góp phần bảo vệ và giữ vững toàn vẹn cương thổ đất nước. Chính sách nhu viễn có thể nói là một thành tựu trong cai trị đất nước của nhà Lý", ông Ngọc phân tích.

 

Ðịnh hướng rất rõ về độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia, với những chính sách như nhu viễn, kinh dinh, ngụ binh ư nông, cùng hàng loạt chính sách kinh tế khác, Nhà nước trung ương tập quyền của Vương triều Lý đã mở ra một thời kỳ vàng son trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

 

Ðặc sắc văn hóa thời Lý

 

Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học): "Trên tổng thể, văn học Vương triều Lý đã định vị những đặc điểm cơ bản cho truyền thống yêu nước và nhân văn của mười thế kỷ văn học dân tộc".

 

Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ nhận xét về mỹ thuật Lý: "Chính mấy hình tượng mỹ thuật thời Lý mà nhiều người bảo là chịu ảnh hưởng nặng của bên ngoài như chim thần ở tháp Phật Tích, tượng Phật Di Ðà cũng ở Phật Tích... thì thật ra lại rất dân tộc, có tình cảm Việt Nam, có tiêu chuẩn đẹp Việt Nam... Nó thể hiện quá trình tiếp biến văn hóa, tiếp thu để phát triển, du nhập nhưng có thay đổi, chịu ảnh hưởng nhưng có vận dụng sáng tạo trên căn bản căn rễ văn hóa truyền thống dân tộc"...

 

TS Nguyễn Hữu Hạnh (Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội) cho biết: "Về thành tựu kiến trúc, theo thống kê sơ bộ trong chính sử cho biết thời Lý đã xây dựng tới 36 cung, 49 điện ở khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và cũng là trung tâm của Cấm thành Thăng Long. Các di tích kiến trúc trong khu vực này chủ yếu là cung và điện của Vua, của Hoàng gia và triều đình".

 

Ngoài ra, đời Lý còn để lại nhiều chùa tháp nổi tiếng. Chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Long Ðọi (Hà Nam) đều có quy mô lớn, xây trên triền núi với nhiều tầng nền giật cấp, bạt sâu vào sườn núi, cao dần lên đỉnh - chỉ một tầng nền đã đo được độ dài tới hơn 120 m và rộng tới gần 70 m, diện tích gần 1.000 m2... "Dù là chất liệu nào (đá, gỗ cứng, đất nung, kim loại...) đều được nghệ sĩ cổ tạo nên những tác phẩm hoàn hảo, tuyệt mỹ. Mỗi hình tượng nghệ thuật đều được các nghệ nhân dân gian thời Lý cách điệu một cách điêu luyện và đầy tài hoa. Từ rồng đến phượng, uyên ương đến em bé, hoa lá, chim thú... đều rất sinh động và có hồn. Và dù được bố cục tổng thể trong không gian hay trong một tác phẩm nghệ thuật thì cũng rất cân xứng, đẹp hài hòa và đảm bảo tính thống nhất cao chứng tỏ trình độ nghệ thuật tuyệt mỹ của thời đại này. Nền nghệ thuật huy hoàng của thời Lý chính là như thế", ông Hạnh nói.

 

KIỀU TRINH - NDO