Ngôi nhà nói trên là nơi Chaplin đã sống trong hơn 20 năm cuối đời. Ông từng phải rời nước Mỹ hồi năm 1952 vì bị cho là “thân Cộng”. Về sau, Chaplin chỉ trở lại Mỹ có một lần để nhận giải Oscar danh dự vào năm 1972.
Bởi vậy Geneva là nơi phù hợp nhất để tôn vinh Chaplin. “Cha tôi vô cùng hạnh phúc tại nơi này vì ông có cuộc sống gia đình ở đây”- Michael Chaplin, con trai của Vua hề, nói về nơi mà cha mình đã nuôi dạy tám người con cho đến khi ông qua đời vào năm 1977.
Charlie Chaplin sinh năm 1889 ở East Street, Walworth, phía Nam London (Anh). Thân sinh của ông đều là nghệ sĩ giải trí nhưng người cha mắc chứng nghiện rượu còn người mẹ bị mất trí nên gia đình rơi vào cảnh nghèo khó. Năm 1910, chàng trai 21 tuổi di cư tới New York (Mỹ). Theo cuốn Anything Goes của Lucy Moore thì Chaplin từng nói rằng New York “thật đáng sợ và không thân thiện” bởi thời gian đầu sống ở thành phố này, ông phải vật lộn với sự đói nghèo. Ba năm sau đó, Chaplin mới cảm nhận được về cuộc sống xa hoa nơi đây khi ông đã có đủ tiền để bước chân vào khách sạn lần đầu tiên.
Bảo tàng ở Geneva sẽ tôn vinh Chaplin ở vai trò nhà làm phim. Ông được mệnh danh là “thiên tài duy nhất nổi lên trong nền công nghiệp điện ảnh” vì Chaplin đã đảm nhiệm rất nhiều vai trò: diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, tác giả kịch bản và thậm chí còn soạn nhạc cho phim. Ông là sự kết nối quan trọng giữa nền âm nhạc cuối thời kỳ Victoria với kỷ nguyên kinh điển của Hollywood. Chaplin là bậc thầy của dòng phim câm.
Những người cùng thời đánh giá rất cao về ông. Nhà phê bình James Agee nhận định diễn xuất của Chaplin trong phim City Lights là “vô cùng tuyệt hảo”. Nhà văn Anh Beverley Nichols viết: “Không có bi kịch nào của cuộc sống mà Chaplin không thấu hiểu. Không chỉ vì nghệ sĩ này có một trái tim nhân hậu mà còn bởi ông biết cách chia sẻ các bi kịch”.
Ngôi nhà của Vua hề ở Geneva có một mảnh vườn rộng. Hiện tại, một số con cháu của ông vẫn sống ở đây. Rất nhiều du khách đi qua đã muốn ghé thăm ngôi nhà của Chaplin bởi vậy con cháu ông mới nảy ra sáng kiến biến nơi này thành một bảo tàng.
Tuy nhiên, kế hoạch của gia đình Chaplin đã từng bị những người hàng xóm phản đối và phải mất nhiều năm, các nhà chức trách địa phương mới thông qua được dự án xây dựng bảo tàng. Tòa nhà chính trong quần thể này từng là thư viện riêng của Vua hề. Ở đây có đặt cây piano được Chaplin sử dụng để soạn nhạc phim và một chiếc bàn nơi ông viết cuốn tự truyện cũng như kịch bản cho hai bộ phim của mình.
Ảnh : Một cảnh trong phim City Lights