NSƯT Trịnh Mai (ảnh) đã ra đi vào tối 1-12 ở tuổi 76, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.Sinh năm 1933 tại Chương Mỹ, Hà Nội trong một gia đình nông dân bình thường, năng khiếu diễn kịch của ông được thể hiện từ rất sớm khi còn là thiếu niên, tham gia các vở kịch của làng xã… Vóc dáng thấp, đôi mắt hấp háy, cái cười tỉnh bơ và một lối diễn hài hài hước tưng tửng đã khiến Trịnh Mai nhanh chóng gây được ấn tượng với người xem qua hàng loạt vai hài trong các vở như: Phó may Bút (Bức tranh mùa gặt), người nông dân (Tiền tuyến gọi), Ba Lường (Hoa và cỏ)…
Trở thành một gương mặt nổi trội của sân khấu kịch, ông đã bén duyên sang điện ảnh. Những vai diễn điện ảnh, truyền hình được khán giả rất nhớ như thầy Min Toa (phim Số đỏ), Vua tín dụng (phim Không phải chuyện cười), Quan khâm sai (phim Thằng Cuội)... Đặc biệt, ông đã được khán giả đặt cho cái tên rất hài hước là “Ông chát xình, chát bùm” sau khi diễn xuất quá thành công nhân vật ông luật sư trong phim “Chát xình, chát chát bùm”.
Mấy chục năm gắn bó với nghề diễn, được khán giả nhớ mặt, chỉ tên, nhưng NSƯT Trịnh Mai luôn tạo cho mình một lối sống giản dị, thanh đạm. Nghề diễn luôn cháy bỏng trong ông dù sức khỏe ông không tốt. Bị vôi hóa xương chân, ông phải mổ chân khi mới 65 tuổi - cái tuổi “toan về già” nhưng hãy còn sung sức và quá nhiều kinh nghiệm. Cách đây khoảng 4 tháng, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Hữu Nghị chăm sóc một thời gian. Tuy nhiên do bệnh nặng nên bệnh viện đã khuyên đưa ông về điều trị tại gia đình. Trong những ngày này, ông không hề tỏ ra bi quan, sợ sệt mà trái lại ông rất vui vẻ, dí dỏm để động viên con cháu trong nhà, nhất là để an ủi người vợ yêu đã gắn bó cả cuộc đời với ông. Cả cuộc đời gắn và hết mình với nghệ thuật, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, và lớn lao hơn, đó là tình yêu của khán giả luôn dành cho ông, chung thủy với ông, kể cả khi ông bệnh tật không còn tham gia đóng phim.
Tang lễ của NSƯT Trịnh Mai sẽ được gia đình và Nhà hát kịch Hà Nội đứng ra tổ chức lúc 11 giờ ngày 5-12 tại Nhà tang lễ thành phố (Phùng Hưng), sau đó sẽ an táng tại quê nhà (xã Yên Trường, Chương Mỹ, Hà Nội).
|