Nhớ lại cái thời trên mươi năm về trước, nhiều nhóm làm phim tư nhân tranh nhau rạp chiếu dẫn đến nhiều cuộc vận động "đi đêm", ăn chia tiêu cực phía sau hậu trường phát hành. Liệu tình trạng như thế lại tái phát?
Một quyết định được phía Công ty Điện ảnh TP đưa ra, theo đó sẽ mở cuộc thăm dò công khai từ phía công chúng để lấy đó làm tiêu chí “nặng ký” (tuy không phải là tiêu chí duy nhất) chọn ra phim chiếu tết. Những phim còn lại sẽ chiếu lần lượt sau đó.
Bằng cách đó sẽ hạn chế tối đa những “eo sèo” hậu trường; đồng thời xét trong thực tế với số lượng rạp không nhiều, nếu chiếu cùng lúc nhiều phim thì thị phần bị chia sẻ và khả năng thu hồi vốn cho từng phim cũng bị ảnh hưởng. Các hãng đã đồng ý phương án này.
Ngay lúc này, lần đầu tiên xuất hiện trên mạng (địa chỉ web: www.die nanhtp.com) một cuộc thi dự đoán phim chiếu tết. Bên cạnh đó, còn có diễn đàn của công chúng bình phẩm các “chiêu” tiếp thị của từng phim. Dĩ nhiên, mỗi hãng đều không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu nội dung, hình ảnh về bộ phim ứng cử viên của mình.
Vào web của Công ty Điện ảnh TP, đọc được: phim Khi đàn ông có bầu hiện có 5.341 lượt người truy cập, trong khi Nữ tướng cướp là 1.684, Lấy vợ Sài Gòn: 571 (số liệu lấy vào lúc 15g30 ngày 29-11-2004).
Dĩ nhiên, về đích là ai thì vẫn còn phải chờ, khi mà cuộc đua truy cập và dự đoán còn kéo dài đến 2-1- 2005 mới khóa sổ (theo thông báo của Công ty Điện ảnh TP).
Phim "ngon" rạp cũng phải "ngon"
“Trong các phim dự kiến chiếu tết, bạn chú ý đến phim nào nhất? Tại sao?”, câu hỏi được đưa ra trên trang web.
Có một số ý kiến vì bênh vực quá mức cho thần tượng, cho sở thích cá nhân nên mất bình tĩnh “nặng lời” với nhau, tung ra những định kiến vô lối về bộ phim của đối thủ.
Gác ra ngoài kiểu ý kiến như thế, số ý kiến còn lại là đáng lưu tâm. Công chúng ngán ngại một sự nhái lại Tám Tàng về làng (bộ phim "mì ăn liền" trước đây với nội dung rất nhảm nhí), lấy chuyện so sánh thành thị với thôn quê ra để giễu cợt - cũ mèm, không hay ho gì!
Phần lớn ý kiến nêu ra là họ chẳng mong muốn xem những hình ảnh bôi bác, cốt lấy ấn tượng vô tội vạ. Còn nhìn chung thì phim hài sạch sẽ là sự chọn lựa số một, vì tết mà!
Đi liền với phim là rạp. Phim “ngon” nhưng rạp “không ngon”, xem phim cũng sẽ hóa “không ngon”! Một diễn đàn khác cũng được mở trên web của Công ty Điện ảnh TP, với câu hỏi trao đổi là: “Các rạp nên làm gì để thu hút khán giả đến xem phim tết?”.
Râm ran ý kiến nhưng “chốt” nhất là làm thế nào tạo ra không khí đặc biệt, “cho ra xuân”, tại rạp. Chí ít thì cũng nhộn nhịp, như vài lần khán giả được chụp ảnh với các diễn viên hóa trang thành các nhân vật trong dịp trình chiếu các bộ phim Anh hùng thành Troy, Thập diện mai phục...
Còn đối với phim truyện VN, lẽ nào không được “đánh bóng” bằng như thế (và... còn hơn thế!), tưng bừng trước rạp, tưng bừng cả một góc phố?
Lời yêu cầu của khán giả về phim, về rạp đang được gióng lên.
-----------------------------------------------------
Tại sao không chiếu 2-3 phim?
Tôi là một khán giả thích xem phim VN. Chỉ năm vừa qua mới thấy có một vài phim coi được, dù chưa hay như ý muốn nhưng đã khá hơn trước rất nhiều.
Qua báo chí tôi được biết năm nay các hãng phim tư nhân đã chuẩn bị vài phim chiếu tết rất vui, hấp dẫn, nhưng Công ty Điện ảnh TP.HCM lại chọn phương án sẽ chỉ cho chiếu một phim trong dịp tết.
Lý do công ty này đưa ra là cách làm này nhằm chống tiêu cực trong phân bố rạp chiếu, lịch chiếu; đồng thời cũng sẽ giúp bộ phim nào được quyết định cho chiếu độc quyền dịp tết sẽ có cơ hội hốt trọn (vì nay thực tế đã còn ít rạp) thay vì chia thị phần cho mấy phim.
Bản thân tôi chưa mấy tin đây sẽ là biện pháp chống được tiêu cực; ngoài ra tết còn là "dịp vàng" chiếu phim, những phim chiếu sau coi như bị mất một cơ hội đáng kể, thật không công bằng khi họ đã phải gấp rút ngày đêm làm phim cho kịp.
Là một khán giả, tôi cảm thấy mình bị thiệt thòi: mấy ngày tết rảnh có thể đi coi nhiều phim, lại chỉ có một! Chúng tôi cũng không còn được quyền lựa chọn! Tại sao không cho chiếu 2-3 phim, luân phiên thay đổi rạp và chiếu dài dài qua đến sau tết?
TRẦN VĂN (Q.3)