Cụ thể, các đạo diễn Doãn Hoàng Giang và Lê Hùng cùng dàn dựng 3 vở/người tại hội diễn này. Các cây bút sở trường về kịch bản chèo như Hà Văn Cầu, Bùi Vũ Minh cũng có 2 kịch bản được dàn dựng. Đặc biệt, tác giả Trần Đình Ngôn và đạo diễn NSND Bùi Đắc Sừ cùng có tới... 5 kịch bản và 5 vở diễn dự thi. Trong khi đó, Quy chế tổ chức Hội diễn chuyên nghiệp 2009 (Cục NTBD ban hành) ghi rõ: “mỗi tác giả đạo diễn chỉ được “tham gia sáng tạo không quá 3 tác phẩm”.
Sự “linh động” của BTC được giải thích bằng cảnh đìu hiu chợ chiều của sân khấu chèo truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Và trên thực tế, việc chọn vở dự thi và mời ê kíp dàn dựng là của lãnh đạo đoàn, chứ không thuộc về đạo diễn hay tác giả. Nói như một vị trưởng đoàn (xin giấu tên) “mời ông Sừ, ông Ngôn thì không chỉ là vấn đề chất lượng vở. Có những cái tên ấy, việc được duyệt kinh phí đầu tư cũng dễ dàng hơn...”. Bởi từ nhiều năm nay, cặp Trần Đình Ngôn - Bùi Đắc Sừ vẫn được coi là những tác giả, đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật chèo.
Nhưng, dù có “linh động”, sự đơn điệu ấy rõ ràng vẫn là một tín hiệu buồn về đội ngũ sáng tạo cho sân khấu chèo hiện nay. Có lẽ, tín hiệu vui nhất là sự có mặt của cây bút trẻ Trần Đình Văn (con trai tác giả Trần Đình Ngôn). Mới nổi lên từ vài năm nay, anh cũng đã kịp có 3 kịch bản được dàn dựng tại hội diễn lần này.
Trong số 18 đoàn chèo trên toàn quốc, đoàn Tuyên Quang là trường hợp duy nhất không tham dự hội diễn với lý do rất đáng suy nghĩ: không đủ kinh phí.
Có tổng cộng 19 vở chèo tham gia hội diễn lần này: Mảnh gương nhân sự, Bà huyện trong mơ (Nhà hát Chèo VN), Oan khuất một thời, Ngọc Hân công chúa ( Nhà hát Chèo Hà Nội) Hùng ca Bạch Đằng giang (đoàn chèo Tổng cục Hậu cần), Vùng sáng Dương Kinh (Chèo Hải Phòng), Bát Nàn tướng quân (Chèo Thái Bình)...
Cảnh trong vở Oan khuất một thời của Nhà hát Chèo Hà Nội