Nếu có ai đó bảo rằng hội hoạ đương đại VN, sau những thành quả đáng mừng của thời kỳ đổi mới mươi, mười lăm năm trước, với những tên tuổi của thế hệ bản lề nay đã ở lứa tuổi 50-60 và thế hệ tiếp đó sẽ khó hy vọng vào sự tiếp nối của lớp trẻ, rằng cơ chế thị trường đã phần nào làm hỏng đi môi trường hội hoạ lành mạnh v.v... thì e rằng điều đó, tuy đã từng là một nhận xét thực tế, nhưng chưa hẳn là một kết luận chung cho đời sống mỹ thuật hôm nay.
Vẫn đang có một thế hệ hoạ sĩ lứa tuổi 30-40 kiên nhẫn theo đuổi khái niệm thẩm mỹ của mình, dũng cảm, sung sức và nhiều đam mê. Vẫn có người, chẳng bán được bức tranh nào mà bỏ ra 2-3 năm trời để thực hiện một bức tranh hoành tráng lấy cảm xúc từ đề tài lịch sử, Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946.
Vẫn có những hoạ sĩ miệt mài đắm mình vào trường phái trừu tượng với hy vọng như một sợi chỉ màu len được vào bức thảm rộng đã hình thành từ rất lâu rồi. Và, hôm nay, tại Bảo tàng Mỹ thuật, những tác phẩm của ba hoạ sĩ trẻ cũng là một ví dụ.
Khoan chưa bàn đến thành công của một triển lãm, chỉ nguyên tranh của họ, không bị những dấu ấn của các bậc đàn anh tạo nên áp lực, mỗi người một sắc thái, một thái độ lao động nghệ thuật thành thực, đã là điều đáng khích lệ. Hơn thế nữa, sự tự tin, bản lĩnh nghề nghiệp của cả ba hoạ sĩ là điều dễ dàng nhận thấy ngay ở triển lãm này.
Ngô Hùng Cường có một bút lực mạnh mẽ, một bảng màu bạo dạn, và những ý tưởng nội tâm khá sâu sắc. Anh đã gắn những dòng suy tưởng của mình vào hình tượng con cá như một "nhân vật" chủ đạo để từ đó được tự do trong những hoà sắc mang nhiều tâm lý siêu hình, nhưng cũng không khó để cảm thông.
Trước hết người xem cảm được ngay có một nỗi bức bối nội tâm như thể muốn được hét to lên của tác giả, điều đó khó có thể định nghĩa, khó gọi tên, nhưng quả tình ai cũng có thể chia sẻ được. Nó được thể hiện bằng những nhát bút mãnh liệt, dứt khoát.
Tạ Đình Khiêm trầm tư hơn trong thế giới trừu tượng của anh. Đi từ một tư duy hữu hình để đến với ngôn ngữ trừu tượng là một chặng đường gian truân vất vả. Bộc lộ được xúc cảm của mình bằng ngôn ngữ, đó là thêm một thử thách nữa. Tạ Đình Khiêm dường như đã vượt qua được những khó khăn này để có được những bức sơn dầu lớn, chuyên chở đủ kỹ thuật cũng như tình cảm của mình.
Tác phẩm của anh không ồn ào áp đảo mà yên tĩnh và đằm thắm. Có những bức như tiếng thì thầm của đêm, lại có bức như những ô cửa gợi niềm vui nhỏ, hình như đằng sau đó là những phận người bé bỏng, yên lành. ẹt ai nghĩ được cử chỉ hội hoạ bình tĩnh, nhiều suy tưởng như vậy lại của một tác giả mới ngoài 30 tuổi. Đó là một hứa hẹn lớn cho hoạ sĩ trẻ này.
Cũng như thế, nhưng Đinh Quốc Vũ lại rất dịu dàng trong sự cụ thể của mình, những bức chân dung tự hoạ rồi thiếu nữ, bà cụ, trẻ con, thiếu phụ đều hiện diện trong một không gian ánh sáng mơ hồ như vừa chợt hiện rồi chợt mất. Bút pháp của anh ngả nhiều sang biểu hiện nhưng tâm lý lại hướng đến siêu thực.
Anh vẽ mỏng, trong, nhưng có sức nặng của một nỗi lòng trắc ẩn. Cuộc sống mà anh quan sát được tưởng như vu vơ, tưởng như vụn vặt, nhưng tất thảy đều như thể muốn cất giấu đi những chuỗi ngày mệt nhọc. Anh muốn mọi người gần gũi nhau hơn, dù ai thì cũng có những điều khuất nẻo. Đó chính là thành công của anh.
Ba khuôn mặt hội hoạ mới, ba cá tính, nhưng chí ít họ đã tự tìm ra ngôn ngữ tuyên ngôn của mình. Một ngôn ngữ sẽ còn đi xa nữa bởi nó có rất nhiều đam mê.
Ảnh :Ký ức hai anh em. Sơn dầu của Đinh Quốc Vũ.