Festival Huế 2010 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã chính thức khởi động bằng lễ hội tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung diễn ra vào tối 9-1. Đây cũng là chương trình văn hóa nghệ thuật nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời khánh thành Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung tại di tích lịch sử núi Bân (phường An Tây, TP Huế).
Khu tưởng niệm vua Quang Trung
Trước giờ diễn ra lễ hội tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 9-1, tỉnh Thừa Thiên-Huế long trọng khánh thành Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung tại di tích lịch sử núi Bân. Khu tưởng niệm có diện tích 9,5ha được khởi công xây dựng từ năm 2008 với nhiều hạng mục, trong đó tượng đài đặc tả chân dung người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung cao 21m, thân tượng cao 12m được làm bằng đá hoa cương là một hạng mục chính.
Dự án nhằm mục tiêu chỉnh trang khu vực núi Bân thành một khu tưởng niệm, là di tích lịch sử đẹp và khang trang, thu hút nhiều người viếng thăm để tưởng nhớ vua Quang Trung, ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Di tích thời kỳ Tây Sơn trên đất Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), đặc biệt núi Bân (Bân sơn) đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1988.
Lễ hội tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi
Năm 1788, nghe tin 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta đã chiếm đóng Thăng Long, Nguyễn Huệ khẩn cấp hội bàn với các tướng sĩ và quyết định lên ngôi Hoàng đế để quy tụ lòng dân. Ngọn núi Bân cao ngất trời lập tức được san lấp làm đàn tế cáo trời đất khi Nguyễn Huệ lên ngôi, điều binh thần tốc ra trận tuyến đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh. Vì vậy, từ khí cụ đến đạo cụ, trang phục mà 1.480 diễn viên sử dụng tại lễ hội đều mang đậm chất thời Tây Sơn.
Núi Bân được chia làm 3 tầng gắn liền với 3 phần của lễ hội là nghi lễ tế cáo trời đất, lễ đăng quang và lễ xuất quân của Hoàng đế Quang Trung.
20 giờ ngày 9-1, dưới ánh đèn điện lung linh, tiếng trống trận dồn dập, Nguyễn Huệ uy nghi ngồi trên thớt voi đầu tiên, theo sau là nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng ba quân tướng sĩ áo vải tay mang gươm đao rầm rập tiến vào sân khấu hành lễ tại Khu tưởng niệm.
Ấn tượng của đêm lễ hội là loạt phát súng đại bác báo hiệu “Chiếu lên ngôi đã được đọc xong”. Dàn nhạc với điệu múa cờ nổi nên kết thúc màn múa lân, các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn 7 tiết mục nghệ thuật múa quạt, múa kiếm của nữ binh Tây Sơn, múa cồng chiêng Tây Nguyên, hợp luyện võ Bình Định, múa khiêng Tây Nguyên, đội hình múa binh và màn đồng diễn võ thuật hỏa vân côn.
Những đường quyền mà các võ sinh, đặc biệt các võ sinh đến từ đất võ Bình Định thể hiện được tương trợ bởi tiếng hô vang của hơn 1.000 quân binh áo vải tay mang binh khí và tiếng trống liên hồi phát ra từ 28 quả trống trận dẫn dắt âm vang lễ hội làm sống dậy nét đẹp hào hùng, dũng mãnh của cả dân tộc quyết tâm bảo vệ đất nước cùng Hoàng đế Quang Trung.
Ảnh :Tượng vua Quang Trung lên ngôi tại núi Bân.