Văn bản trên hoan nghênh phản ánh kịp thời của Báo Lao Động, song khuyến nghị phải nhìn sự việc một cách khách quan. Cụ thể, khu lò gốm Cây Me là một trong 6 khu lò gốm cổ Champa trên đất Bình Định, từng được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh khảo sát, đánh giá giá trị và thông báo cho địa phương nhằm có kế hoạch bảo vệ, chống các hiện tượng đào bới, tìm kiếm cổ vật.
Tuy nhiên, báo cáo từ đợt khảo sát của Bảo tàng Tổng hợp cho thấy việc khai quật là không thể, vì khu di tích nằm trên bờ xói lở, khai quật sẽ ảnh hưởng đến con đường dân sinh. Giải pháp được đề xuất là kết hợp với dự án xây kè chống sụt lở bờ sông, nơi có khu lò gốm sẽ tiến hành khai quật. Đến nay, do dự án chưa triển khai nên việc khai quật chưa thể thực hiện...
Về những hiện vật bài báo nêu, công văn trên thừa nhận đó là phế phẩm lở ra từ bãi thải của khu lò. Sự xói lở diễn ra thường vào mùa mưa lũ, Sở VHTTDL có nhắc nhở địa phương phòng, chống song vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, tư liệu PV thu thập được cũng như nội dung bài báo chứng minh một thực tế là các giải pháp dự định nói trên hiện đã tuột khỏi tầm tay và trở nên rất xa vời.
Nói cách khác, mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm giữa ngành văn hoá và chính quyền sở tại chưa đủ gắn bó, hiệu quả để một di sản quý sớm có thể được cứu vãn. Bằng chứng là các cơ quan hữu trách đã bỏ qua giải pháp "kết hợp" mà cả ngành văn hoá lẫn địa phương cùng đề xuất, báo cáo kinh tế - kỹ thuật kè Đại Bình do Sở KHĐT Bình Định phê duyệt tháng 10.2009 cũng không có lấy một dòng nhắc tới nhiệm vụ bảo tồn di sản!
Trao đổi với PV Lao Động ngay tại thực địa, chính Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Trần Quang Vinh xác nhận, với chiều dài 728,4m nối xuống từ Bình An (Tây Sơn), điểm cuối kè Đại Bình chỉ chạm khu vực trạm bơm hiện hữu, cách điểm sạt lở nặng nề nhất, cũng là nơi phát lộ nhiều hiện vật nhất, cỡ vài trăm mét!
Phải chăng, các cơ quan chức năng đã không được thông tin, tham vấn trong suốt quá trình khảo sát xây dựng kè Đại Bình?
Hiện vật la liệt dọc đoạn sông sạt lở. ảnh: Xuân Nhàn