Khu di tích này được xây dựng để tưởng nhớ tới người anh hùng dân tộc đã thân chinh lên vùng thượng nguồn sông Đà dẹp loạn Đèo Cát Hãn năm 1432; đồng thời cũng nhằm tạo ra một điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh cho đồng bào các dân tộc địa phương, nơi trước đây chưa hề có một đền chùa, miếu mạo nào.
Toạ lạc trên ngọn đồi, nơi trước đây bà con người dân tộc Giấy ở xã Nậm Loỏng (huyện Phong Thổ cũ) thờ cúng thánh thần, cầu cho mùa màng tươi tốt, Đền thờ vua Lê Lợi có kiến trúc dân gian cổ hình chữ Đinh. Đền gồm 5 gian bằng gỗ với 3 gian ngang chính điện và 2 gian hậu cung dọc cùng các hạng mục khác như cổng chính, bậc tam cấp và đường lên, khuôn viên cây xanh, tượng Phật bà Quan âm... trên diện tích 15.000m2.
Theo ông Đỗ Huy Lưu, Phó ban đại diện người cao tuổi thị xã, Chủ đầu tư công trình, thì ngôi đền này nằm trong quần thể kiến trúc của Trung tâm văn hóa cộng đồng thị xã. Tổng đầu tư xây dựng công trình sau khi hoàn thành giai đoạn 1 là trên 5 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước năm 2009 là 2 tỷ đồng, còn lại do trên 70 tổ chức, cá nhân cung tiến bằng tiền và hiện vật.
Ban quản lý đã tổ chức về đền thờ vua Lê Thái Tổ tại Thanh Hóa xin chân hương đưa về đền, đồng thời từ ngày 2-2 đã rước Sư cụ Thích Đàm Tuệ ở chùa Nga Trại (tỉnh Bắc Giang) và các sư thầy, thầy phong thủy về làm lễ Hô thần nhập tượng để chuẩn bị cho Lễ khánh thành.
Theo các cụ già người địa phương, vị trí ngôi đền hiện nay là vùng đất linh thiêng, rất phù hợp cho việc xây cất các công trình văn hoá tâm linh. Việc xây dựng Đền thờ vua Lê Lợi được nhiều bà con trong vùng ủng hộ bởi trước đây vào mỗi dịp ngày rằm, lễ tết, bà con thường phải đi lễ tại các tỉnh khác rất vất vả, tốn kém.
Như vậy sau khi xây dựng xong đền thờ vua Lê Lợi ven bờ sông Đà tại xã Lê Lợi - huyện Sìn Hồ, Lai Châu sẽ có 2 di tích thờ vị Anh hùng dân tộc: một ở thị xã Lai Châu và một tại di tích Bia Lê Lợi, nơi nhà vua đã khắc đá đề thơ trên đường chinh phạt bọn phản loạn từ thế kỷ thứ XV.
Đồng bào Lai Châu trong lễ khánh thành đền thờ vua Lê Lợi .ảnh: BẢO VĂN