Xuống cấp
Nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ Sa Pa mặc dù mang giá trị vô cùng quý giá nhưng thực tế lại đang mất giá từng ngày trong con mắt của du khách. Đó là chưa nói đến một di sản văn hóa cần phải được bảo tồn một cách khoa học, nghiêm túc.
Vào tháng 10 -1994, bãi đá cổ Sa Pa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Bãi đá cổ Sa Pa nằm xen giữa nương rẫy, một bên là đồi núi, một bên là sông suối và ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Khu quần thể bãi đá cổ này được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của Trường Viễn Đông Bác Cổ phát hiện từ năm 1925, rộng khoảng 8km2 với 159 khối đá xung quanh con suối Mường Hoa. Đây có thể là một minh chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở khu vực này.
Hiện nay, khu quần thể bãi đá cổ này đang được đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ hiện trông như một nhà hoang.
Nhiều bức tranh bằng giấy dó đồ lại các hoa văn với nhiều hình dạng như nét chữ, ký hiệu, hình người, bậc thang… được trưng bày tại đây (có cả những bức tranh lưu giữ hoa văn của các bãi đá cổ trên thế giới) đã không còn nguyên vẹn. Bức thì bị xé rách, bức lại bị gỡ bỏ, bàn ghế ngả nghiêng, rác vứt đầy dưới nền nhà của phòng trưng bày.
Còn tại các hòn đá cổ có ghi dấu hoa văn thì có nơi lại bị vẽ vời đủ loại chữ làm mất đi giá trị văn hóa, nơi bị vỡ, nơi do leo trèo làm ăn mòn và mờ dần các hoa văn.
Tiếc rẻ
Có mặt tại khu bãi đá cổ trong những ngày chuẩn bị bước vào mùa cao điểm du lịch ở Sa Pa mới thấy sự tiếc rẻ của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến nơi này.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, ở TPHCM khi lên Sa Pa đã chọn bãi đá cổ là một trong những điểm đến của mình, tuy nhiên lại không được như ý nguyện.
Anh Hoàng cho biết: “Tôi biết đến khu này từ lâu nhưng chưa có dịp đến, tôi cứ nghĩ nơi đây vẫn còn giữ được nét truyền thống nhưng thật không ngờ lại như thế này. Bởi, Sa Pa là một điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu không chỉ đối với khách nội địa mà cả nước ngoài. Hơn nữa, đây lại là di sản văn hóa nên lại càng phải giữ gìn nó để phát huy giá trị”.
Anh Nguyễn Văn Lâm, một người dân ở đối diện nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ Sa Pa cho biết, rất nhiều du khách đến đây than về vấn đề xuống cấp của khu này. Thậm chí họ còn trách anh Lâm tại sao không có ý thức bảo vệ, trong khi anh là người dân tộc Kinh, ít nhiều có học thức.
Theo anh Lâm thì nhà trưng bày đã bị bỏ bê, không người trông coi từ hơn một năm nay và trước đây khi du khách vào đều có thu phí 5.000 đồng/người. Trước những bức xúc của du khách cũng như suy nghĩ của mình, anh Lâm đã nhiều lần muốn được trông coi khu này nhưng không được chấp nhận.
Ảnh: Một góc bãi đá cổ Sa Pa