Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
359
123.091.291

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những phát hiện mới tại đền thờ Lê Văn Thịnh: Hé lộ bí ẩn tượng rồng cắn thân.
Như TT&VH đưa tin, hàng loạt hiện vật cùng hai mảnh thân rồng đã được tìm thấy tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Đồng Cứu, tỉnh Bắc Ninh). Gần 20 năm nay, người ta đã biết đến pho tượng “chưa từng có trên thế giới” được phát hiện ở khu vực đền thờ ông, đó là pho tượng rồng “cắn thân”.

Tượng bằng đá, phong cách lạ lùng và dữ dội để lại những cảm xúc mãnh liệt cho người xem và khiến nhiều người liên tưởng rằng pho tượng chính là “hiện thân” của nỗi oan khiên lịch sử mà ông phải chịu đựng từ gần một ngàn năm trước.

 

Những phát hiện này đặt ra giả thiết về khả năng tồn tại một ngôi đền thờ đồ sộ vào thời Hậu Lê, dành cho vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

 

Từ “thờ vọng” bí mật tới ngôi đền thờ rất lớn

 

Theo báo cáo mới nhất của nhóm chuyên gia thuộc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh, đợt khai quật này đã phát lộ 2 mảnh thân rồng và một mảnh sấu đá. Đặc biệt, tại các hố khai quật, nhóm khảo sát đã thu được một lượng cực lớn các loại mảnh ngói, chum vại bát đĩa, đế đèn... có niên đại rải rác từ thời Hán tới thời Nguyễn.

 

Dựa trên số hiện vật thu được và nghiên cứu địa tầng, kết luận ban đầu được nhóm khảo sát đưa ra: khu vực đền Lê Văn Thịnh đã có sự quần cư liên tục của con người ngay từ thời Hán (thế kỉ 1, 2). Sau khi ngôi đền này được xây dựng vào thời Lý, nhân dân các triều đại sau, từ Trần, Lê Sơ, Hậu Lê, Nguyễn... liên tục trùng tu, tôn tạo và thậm chí thay đổi cấu trúc của ngôi đền nhiều lần. Đặc biệt, với tỷ lệ hiện vật thời Hậu Lê thu được (gốm sứ, chân đèn, lư hương, đầu rồng và đầu sấu đất nung, đuôi sấu đá), nhóm khảo sát đưa ra những giả thiết về sự tồn tại của một ngôi đền thờ Lê Văn Thịnh thời Hậu Lê với quy mô kiến trúc khá lớn và đồ sộ.

 

Theo truyền thuyết địa phương, khu vực đền thờ Lê Văn Thịnh vốn là... trang trại của vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Sau khi ông mắc nạn trong vụ án hồ Dâm Đàm năm 1096, ngôi nhà này đã được “hóa gia vi tự” - biến thành nơi thờ ông. Tiếp đó, theo dòng thời gian, ngôi chùa đã nhiều lần được nhân dân trong vùng tu bổ lại.

 

Tán thành giả thiết trên, ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, cho biết: Rất có thể, với án oan “hóa hổ hại vua”, việc nhân dân lập đền thờ Lê Văn Thịnh vào thời Lý chỉ là thờ vọng một cách “bí mật”. Còn sang thời Trần, hầu như tất cả các danh nhân thời Lý đều ít có cơ hội được lập đền thờ. Trong lịch sử, Thái sư Lê Văn Thịnh được “gián tiếp” ghi nhận công trạng vào thời Hậu Lê, vì vậy nhận định ngôi đền thờ lớn nhất xuất hiện vào thời điểm này là hợp lý.

 

Còn nhiều tượng rồng khác?

 

Cũng từ quan điểm trên, ông Nga cho rằng pho tượng rồng “đầu cắn thân, chân xé mình” nổi tiếng tại đây rất có thể được thực hiện vào thời Hậu Lê, chứ không phải vào thời Trần như một số giải thiết. (Ông Nga cũng phản đối giả thiết... chính Lê Văn Thịnh cho tạc pho tượng này như một số người từng nêu ra). Và theo ông Nga, những mảnh tượng rồng tìm được chưa chắc đã là thuộc về pho tượng được tìm thấy năm 1991.

 

Theo quan sát của tôi, pho tượng tìm thấy năm 1991 đã mang tính hoàn chỉnh cao. Hai bên thân tượng có hai vết cắt nhưng rất cân xứng và “ngọt”, chứ không phải vết đứt gãy theo thời gian. Rất có thể, ngay khi tạo hình, những người thực hiện đã chủ ý “khuôn” pho tượng lại như vậy - ông Nga cho biết. Theo lời ông, các chuyên gia đã thử mày mò tìm cách ghép hai mảng tượng rồng vừa tìm thấy vào pho tượng cũ, nhưng chưa xác định được vị trí nào có thể đặt các mảnh tượng cho hợp lý và ăn nhập.

 

Cũng có khả năng đó là những mảnh rời của một pho tượng hoàn chỉnh, mà phần tượng đang thờ chỉ là phần đầu. Những mảnh còn lại vẫn nằm rải rác trong và bên cạnh đền. Nhưng tôi thiên về giả thiết đó là những mảnh của một tượng rồng khác. Không loại trừ khả năng khu đền thờ Lê Văn Thịnh thời Hậu Lê có một số pho tượng rồng, trong đó pho tượng “rồng cắn thân” là trung tâm - ông Nga kết luận.

 

Trên thực tế, báo cáo của nhóm chuyên gia khảo cổ cũng thiên về ý kiến rằng pho tượng “rồng cắn thân” tại đền Lê Văn Thịnh là một pho tượng lớn và những phần tìm thấy chỉ là một số trong hàng loạt các khúc bị thất lạc. Cũng theo báo cáo này, trong lòng khu di tích còn rất nhiều hiện vật khác có giá trị cao và có thể được phát hiện nếu tiếp tục khai quật. Tuy nhiên, quá trình khai quật thời gian qua mới chỉ diễn ra trên một diện tích nhỏ, nhằm phục vụ cho việc trùng tu đền Lê Văn Thịnh mà chưa có những kế hoạch cụ thể tiếp theo.

 

Sự thiếu vắng các tư liệu về triều Lý là khó khăn và cũng là lý do hấp dẫn để các nhà sử học đưa ra những giả thiết rất khác nhau về triều đại này. Trong đó, sự tồn tại của pho tượng “rồng cắn thân” nổi tiếng từ năm 1991 tới nay cũng đã dẫn tới hàng loạt giả thiết khác về thân thế của Thái sư Lê Văn Thịnh lúc cuối đời...

 

Thái sư Lê Văn Thịnh (SN 1038) quê tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, là người đỗ Trạng nguyên trong khoa thi đầu tiên của lịch sử Việt Nam - năm 1075. Ông đã làm quan tới chức Thái sư và bị cách chức, đi đày lên Lương Giang (Thanh Hóa ) năm 1096 vì án “hóa hổ giết vua”. Sau này lịch sử đã minh oan cho ông.

 

Pho tượng lạ “rồng cắn thân” phát hiện năm 1991

Hoàng Nguyên - TT&VH