Mở đầu cho đại hội các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đại hội Kiến trúc sư thường bao giờ cũng sôi nổi, nghiêm túc và thẳng thắn.
Đại hội đã bầu ra một BCH mới gồm 95 thành viên là những kiến trúc sư từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ban thường vụ Lãnh đạo Hội gồm 18 thành viên, KTS Nguyễn Tấn Vạn được bầu lại làm Chủ tịch Hội.
Tại đại hội lần này, những cụm từ như “Xây dựng nhiều nhưng ít thành công về sáng tạo nghệ thuật”, “Quy hoạch – kiến trúc từ điều tra, nghiên cứu đến thiết kế và đầu tư đều không chọn nông thôn và người nghèo làm đối tượng chính”, “Kiến trúc tự phát, mờ nhạt, thiếu bản sắc, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế”, “kiến trúc sư Việt Nam thua ngay trên sân nhà”... thường xuyên được nhắc đến, cả trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của BCH cũng như trong ý kiến thảo luận của các hội viên.
Bên cạnh những ý kiến liên quan công việc nghị sự như báo cáo tổng kết, kiểm điểm BCH, điều lệ và kiểm tra Hội, đại hội đã dành hẳn một buổi sáng để các hội viên tham luận, trao đổi về chuyên môn nghề nghiệp cũng như bày tỏ những trăn trở, kiến nghị lên cấp trên. Tất cả, nhằm thay đổi một diện mạo kiến trúc nước nhà, “không thể tụt hậu và lộn xộn hơn được nữa”.
Bộ mặt kiến trúc mờ nhạt và lộn xộn
PGS.TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay trong công tác quy hoạch đô thị, “khi nghiên cứu quy hoạch tổng thể xây dựng hệ thống đô thị trên cả nước, chính quyền địa phương ở các tỉnh không quan tâm đến điều kiện của từng khu vực, nôn nóng muốn xây dựng hệ thống đô thị của địa phương mình vượt quá khả năng dung nạp, dẫn đến đường lối đô thị hóa chủ quan, duy ý chí”.
Điều đó dẫn đến diện mạo một loạt các đô thị mới, các trung tâm hành chính địa phương kệch cỡm, vô lý, lộn xộn và không có bản sắc.
Nhiều địa phương tập trung xây dựng đô thị cốt để đảm bảo các tiêu chuẩn về mặt số lượng, nâng loại, nâng cấp nhưng không chú ý chất lượng, phát triển đô thị theo kiểu “quảng canh”. Đó là việc mở rộng địa giới, tăng quy mô dân số và diện tích đất xây dựng mà không coi trọng việc cải tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng đô thị.
KTS Lê Thanh Sơn (Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, “trong cả kiến trúc do dân tự xây và các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiện nay có quá thừa những ví dụ về sự lạc điệu, lạc hậu được tạo ra từ những hình tượng phô trương”. Trong khi đó, thẩm mỹ kiến trúc hiện đại vốn xa lạ với những biểu hiện thừa thãi, phù phiếm, vô lý về chức năng.
“Chưa bao giờ chúng ta có nhiều cơ hội để làm kiến trúc như bây giờ. Nhưng cũng chưa có khi nào mà chất lượng thẩm mỹ của giới kiến trúc lại sa sút như vậy. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, nhà cửa phố xá mọc lên nhiều vô kể. Nhưng nhìn vào đó nhiều khi không thấy nhà, mà là một “gánh hàng rong” đủ loại màu sắc, hình kiểu, chủ đề đua nhau phô diễn...”- KTS Nguyễn Thanh Sơn nhận xét – “Ở các đô thị nước ta đang có một sự trái khoáy phổ biến. Trong lúc điều kiện kinh tế còn khó khăn, kỹ thuật còn hạn chế, kiến trúc vẫn có thừa sự phô trương, kệch cỡm trong hình thức, bất hợp lý trong chức năng. Hai cái thừa này dẫn tới sự lãng phí trong xây dựng”.
Cần có Luật Kiến trúc
Kể từ Hội nghị thành lập Đoàn kiến trúc sư Việt Nam (tiền thân của Hội KTS) vào ngày 27-4-1948 ở Yên Bái đến nay, đã 62 năm trôi qua. Thư của Bác Hồ gửi các thế hệ kiến trúc sư ngày đó đã khẳng định vai trò quan trọng của kiến trúc trong việc “lo nhà ở cao ráo, sáng sủa, tiết kiệm” cho nhân dân. Cho đến bây giờ, như KTS Nguyễn Tấn Vạn nói, giới kiến trúc vẫn tâm niệm rằng để làm được điều đó vẫn không hề là dễ.
Vai trò quan trọng của giới kiến trúc thì ai cũng dễ dàng nhận thấy, bởi mỗi bản vẽ của họ đều liên quan trực tiếp đến bộ mặt đất nước. Trong sáu mươi năm qua, hàng triệu triệu công trình lớn nhỏ đã mọc lên trên khắp mảnh đất này, làm nên những bộ mặt đô thị, nông thôn, nhà cửa, đường sá, nhà ga, bến cảng, cầu cống...
Tuy vậy, cho đến nay, giới kiến trúc sư vẫn đang hành nghề trong một môi trường thiếu hành lang pháp lý. Trong khi các ngành nghề khác đều đã có luật riêng, thì kiến trúc lĩnh vực quan trọng cần nhiều hơn sự quản lý của nhà nước thì lại chưa có.
Tại đại hội này, sự bức thiết cần phải xây dựng, hoàn thiện và ban hành Luật kiến trúc được các đại biểu đặt ra nhiều hơn bao giờ hết.
KTS Nguyễn Trí Thành (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, bộ luật này không chỉ là Luật kiến trúc sư, mà cần phải gọi tên là Luật kiến trúc. Bởi đối tượng và phạm vi điều chỉnh của nó không chỉ là hoạt động của các KTS (chiếm chưa tới 0,3% dân số) mà là cả ngành kiến trúc – lĩnh vực góp phần quyết định vào sự hình thành diện mạo đất nước.
Bản chất kiến trúc là một nghệ thuật tổ chức, người KTS là đầu mối, nhưng lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhiều đối tượng, chịu nhiều ràng buộc và phải dung hòa nhiều lợi ích. Nếu không có một hành lang pháp lý thì không thể hoàn thành trọng trách. Luật kiến trúc cần cho cả trong sáng tạo, đào tạo, tư vấn phản biện, là cơ sở pháp lý để bảo đảm việc hành nghề của giới kiến trúc cả trong công việc với chủ đầu tư, nhà quản lý, các cấp chính quyền, phải thể hiện sự chuyên nghiệp và chuẩn hóa quốc tế.
Thực ra, vấn đề này không phải bây giờ mới thấy cần thiết. KTS Nguyễn Tấn Vạn khẳng định, mong muốn xây dựng Luật Kiến trúc sư đã có từ vài nhiệm kỳ trước, tức là cũng đã gần chục năm trời. BCH mới cũng dự kiến sẽ đưa ra thảo luận, xây dựng luật và hy vọng đến năm 2012 sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua.
Ngoài mong muốn cấp thiết xây dựng và thông qua Luật kiến trúc Ban chấp hành khóa mới Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề đạt với lãnh đạo Đảng và Nhà nước một số kiến nghị. Trong đó, cần tiến hành khảo sát và báo cáo đánh giá thực hiện “Định hướng phát triển kiến trúc đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó bổ sung và điều chỉnh. Cần rà soát công tác đào tạo, quan tâm xây dựng pháp lý để tạo môi trường hành nghề của giới KTS, đề nghị ban hành Quy chế tư vấn phản biện xã hội của Hội.
Ảnh: Đồ án thiết kế phố mới Tràng Tiền thượng tham gia cuộc thi sáng tác kiến trúc vì Hà Nội hôm nay và ngày mai.
* Đề cao vai trò của kiến trúc sư