Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.851 tác phẩm
2.760 tác giả
376
123.091.556

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đạo văn cạnh tranh và đạo văn quan quyền
Có khác chăng là nhiều trường hợp khác dù đã được phát hiện, nhưng thủ phạm vẫn ung dung tại chức. Cần phải phân biệt 2 loại đạo văn

"Đạo học thuật" không phải chuyện xưa nay hiếm

Cần phải phân biệt 2 loại đạo văn, "đạo văn cạnh tranh" và "đạo văn quan quyền", thì có thể giải thích tại sao một số người đạo văn bị tiêu tan sự nghiệp còn một số khác thì "Ok"(!)

 

Đạo văn tràn lan trong giới học thuật

 

Thế là vụ một giảng viên "đạo sách" của đồng nghiệp đã đi đến một kết cục buồn. Theo một bản tin mới nhất thì người giảng viên bị tố cáo đạo sách đó đã tự nguyện xin nghỉ việc. Nhưng có lẽ đây không phải là trường hợp đầu, càng không phải là trường hợp cuối cùng về nạn đạo văn ở nước ta.

 

Có khác chăng là nhiều trường hợp khác dù đã được phát hiện, nhưng thủ phạm vẫn ung dung tại chức. Cần phải phân biệt 2 loại đạo văn, "đạo văn cạnh tranh" và "đạo văn quan quyền", thì có thể giải thích tại sao một số người đạo văn bị tiêu tan sự nghiệp còn một số khác thì "Ok"(!)

 

Thật ra, nhìn sang Trung Quốc chúng ta có thể thấy nạn đạo văn cũng tràn lan trong giới học thuật. Giáo sư toán nổi tiếng của Đại học Harvard Yau Shing-tung cho biết một nghiên cứu sinh người Trung Quốc từng học dưới sự hướng dẫn của ông bị phát giác đạo văn của đồng nghiệp thuộc Đại học Harvard, nhưng khi về nước được trọng vọng và trở thành viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

 

Một giáo sư xã hội học rất nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh viết một cuốn sách, trong đó 100,000 chữ được cóp từ 100,000 chữ trong một cuốn sách của một giáo sư xã hội học bên Mỹ. Một khoa trưởng khoa công nghệ của Đại học Shangdong phạm tội đạo văn, nhưng vẫn được phong chức viện sĩ Viện hàn lâm Công nghệ Trung Quốc!

 

Còn nhiều nhiều trường hợp như thế, những trường hợp mà thủ phạm đạo văn chẳng những không bị phạt mà còn thăng tiến trong sự nghiệp khoa bảng.

 

Trong khi đó, nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, và giáo sư phạm tội đạo văn thì bị phạt rất nặng, có người tiêu tan cả sự nghiệp. Câu hỏi đặt ra là có gì khác biệt giữa trường hợp với kết cục buồn, và những trường hợp nghiêm trọng khác mà thủ phạm không hề chịu hình phạt nào. Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu thêm về bản chất của đạo văn, và phân biệt hai dạng đạo văn mà tôi sẽ bàn dưới đây.

 

Đạo văn và hiện tượng "tác giả ma"

 

Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình.

 

Ở đây, "ý tưởng và từ ngữ của người khác" có nghĩa là: Sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.

 

"Tác giả ma" là một thuật ngữ mới xuất hiện trong nghiên cứu y khoa (nhưng nay đã phổ biến trong các lĩnh vực học thuật khác) dùng để chỉ những người chuyên nghề viết mướn cho các công ty dược.

 

Các "tác giả ma" phần lớn là những người viết văn chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là những nhà khoa học với trình độ tiến sĩ không còn hành nghề chuyên môn. Sở dĩ gọi là "tác giả ma" vì họ không đứng tên tác giả của các tác phẩm do chính họ tạo ra. Thay vào đó, đứng tên tác giả là những nhà khoa bảng với chức danh giáo sư từ các đại học danh tiếng.

 

Ở Việt Nam, hiện tượng "tác giả ma" còn hiện hữu trong giới học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, và giáo sư. Học sinh nhờ người khác làm bài tập; sinh viên hay nghiên cứu sinh mướn người khác viết luận án; hay các giáo sư nhờ (hay lợi dụng) nghiên cứu sinh của mình viết giáo trình và sách, tất cả đều là hiện tượng "tác giả ma, tác phẩm ma".

 

Đối chiếu với định nghĩa đạo văn mà tôi trình bày trên, thì "tác giả ma" cũng là một hình thức đạo văn. Nói cách khác, những người đứng tên tác giả bài viết hay công trình nghiên cứu (do người khác viết) cũng phạm tội đạo văn.

 

Đạo văn cạnh tranh và đạo văn quan quyền

 

Đạo văn là một vi phạm rất nặng trong học thuật và khoa bảng. Người phạm tội thường chịu hình phạt nặng nề. Một tiến sĩ phạm tội đạo văn có thể bị tước học vị, và trong thực tế đã có nhiều trường hợp như thế trên thế giới.

 

Ngay cả giáo sư phạm tội đạo văn cũng chịu hình phạt nặng nề, như bị tước chức danh giáo sư, thậm chí bị đuổi việc. Những hình phạt nặng dành cho người đạo văn là một biện pháp nhằm giữ gìn sự trong sạch của khoa bảng, và cũng là một cách phát biểu rằng trong học thuật không có nơi nào dành cho người đạo văn.

 

Năm 2002, Giáo sư David Robinson, hiệu trưởng Trường đại học Monash (một trong những đại học hàng đầu của Úc) bị tố cáo đạo văn. Một số đoạn văn (chỉ một số đoạn văn) trong những sách ông xuất bản vào thập niên 1970s và 1980s mà ông trích dẫn từ các công trình trước nhưng ông không ghi nguồn. Để giữ danh dự cho trường và danh dự cho giới khoa bảng Úc, ông quyết định từ chức.

 

Tháng 3/2010 vừa qua, Giáo sư Li Lian-sheng thuộc Đại học Giao thông (Thượng Hải) bị tố cáo đạo văn để có được công trình nghiên cứu, và được thăng chức giáo sư. Khi sự việc được phơi bày ra ánh sáng, đại học quyết định cho ông nghỉ việc và rút lại chức danh giáo sư.

 

Năm 2008, bà Julie Bishop là cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Úc đóng góp một chương trong cuốn sách Liberals and Power. Khi sách in ra, độc giả phát hiện một số đoạn trong chương sách được lấy (mà không ghi nguồn) từ một bài diễn văn của Roger Kerr, một thương gia người Tân Tây Lan.

 

Khi sự việc bị báo chí phanh phui, thì vị tùy viên và cũng là người viết diễn văn cho bà là Murray Hansen đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Ông Hansen thú nhận là đã đạo văn. Bà Bishop vẫn làm bộ trưởng giáo dục, thậm chí sau này còn thăng chức phó lãnh tụ đảng đối lập. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Hansen viết mà bà Bishop lại đứng tên tác giả. Trong trường hợp này, ông Hansen là một "tác giả ma", và bà Bishop phạm tội đạo văn.

 

Các chuyên gia về đạo văn (như Giáo sư Brian Martin hay Gavin Moodie) phân biệt 2 loại đạo văn, mà họ gọi là "competitive plagiarism" (tôi tạm dịch là đạo văn cạnh tranh), và "bureaucratic plagiarism" hay "institutionalized plagiarism" (đạo văn quan quyền).

 

Những câu hỏi tại sao và tại sao?

 

Với đạo văn cạnh tranh, đương sự đạo văn có mục tiêu lấy ý tưởng người khác nhằm vào mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp. Những trường hợp sinh viên đạo văn để có một luận án tốt nghiệp là một ví dụ tiêu biểu. Cũng có trường hợp những người đạo văn cạnh tranh cần một công trình học thuật, hoặc một công trình nghiên cứu để làm cơ sở cho việc thăng chức. Tuy nhiên, nói chung những thủ phạm đạo văn cạnh tranh thường là những người không có quyền cao chức trọng, hay nói theo ngôn ngữ dân dã là "thấp cổ bé họng".

 

Với đạo văn quan quyền, như tên gọi, là loại đạo văn tồn tại trong hệ thống công quyền, mà đương sự là người đứng tên tác giả cho những gì mình không sáng tạo ra. Những thủ phạm đạo văn quan quyền thường là người có quyền cao chức trọng, như trường hợp của bà Bộ trưởng Bishop.

 

Đạo văn quan quyền hay hiện tượng "tác giả ma" rất phổ biến trong chính trị và quan chức cao cấp. Đại đa số các chính trị gia, quan chức cao cấp, tổng giám đốc các đại công ti, v.v... đều có những chuyên gia hay cố vấn chuyên viết diễn văn cho họ.

 

Cũng như trường hợp bà Bishop vừa đề cập, các thủ tướng và bộ trưởng Úc đều có tùy viên viết diễn văn cho họ. Ở Việt Nam cũng chẳng là ngoại lệ. Rất nhiều những câu phát biểu trứ danh của cố tổng thống Mỹ như D. D. Eisenhower, J. F. Kennedy, L. J. Johnson, v.v... không phải là ý tưởng của riêng cá nhân quan chức nào, mà thông thường là của người viết diễn văn cho quan chức đó.

 

Một vài câu hỏi không mấy thoải mái cần phải đặt ra là: Tại sao không gọi những người có quyền cao chức trọng như Tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson, hay bà Bishop là những người đạo văn? Tại sao xã hội quyết tâm phạt những học sinh, sinh viên, và giáo sư (hay giới học thuật nói chung) đạo văn, mà xã hội lại chấp nhận việc những người có quyền thế đạo văn? Tại sao giới học thuật đạo văn thì bị phạt nặng nề, còn những quan đạo văn thì không hề bị phạt gì cả?

 

Có lẽ câu trả lời cho những câu hỏi trên nằm ở quyền lực. Những người đạo văn quan quyền thường ở vị trí có đặc quyền, và được sự yểm trợ của hệ thống chính trị, còn những người đạo văn cạnh tranh thường không có quyền thế và cũng không có cơ chế chính trị bảo trợ. Nhưng nếu xã hội dân chủ và bình đẳng, thì hình phạt dành cho người đạo văn cạnh tranh cũng phải áp dụng cả những thủ phạm đạo văn quan quyền.

 

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

 

Nguyễn Văn Tuấn - tuanvietnam