Dispatches, một cái tựa gây sốc bởi khá xa lạ với lựa chọn của người Mỹ, bởi xuyên suốt quyển sách mê hoặc này, tác giả đã bóc trần sự “lột xác” của các thanh niên Mỹ vốn ra đi từ một quốc gia rộng lớn để rồi lao mình vào một “chảo lửa” một cách không đắn đo. Như câu chuyện về một bác sĩ quân y từ chiến trường trở về, mãi hai năm sau đó, vẫn không thể ngủ được nếu không có ánh đèn thắp sáng suốt đêm. Những cơn ác mộng chăng? Những hồi ức đó từ cuộc chiến vẫn không hề phai nhạt theo thời gian, với những người lính Mỹ. “Trong tháng đầu tiên sau khi về nhà, có một đêm, tôi choàng tỉnh dậy và có cảm giác là phòng khách nhà tôi đang chất đầy xác chết của lính hải quân”.
Dispatches, xuyên suốt những trang sách, độc giả vẫn nghe được tiếng động cơ trực thăng gầm rú, tiếng bom Napan và cả những tiếng nhạc kích động từ xa khiến cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam như một điệu nhảy rock’n roll cuồng loạn. Nhưng không riêng Dispatches, dạo gần đây còn rất nhiều cuốn sách ra đời lấy tinh thần từ cuộc chiến ở Việt Nam.
Denis Johnson - Việt Nam là một ảo tưởng sai lầm
Tiểu thuyết Tree Of Smoke đoạt giải National Book Award năm 2007 là một bức tranh hoành tráng về một trong những cuộc chiến tranh bẩn thỉu nhất - cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Độc giả có thể tìm thấy qua tính chất tàn bạo của cuộc chiến tranh này một thực tế lịch sử cũng như những bí mật hậu trường, bởi vì tác giả đã khuấy sâu vào hoạt động yếu kém nhưng xấu xa của ngành tình báo Mỹ thời đó. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1963, khi tổng thống Kennedy bị ám sát, và kết thúc vào đầu thập niên 1970. Skip Sands, một thanh niên được tuyển mộ vào bộ phận chiến tranh tâm lý của CIA, vốn là một anh chàng ngây thơ, nề nếp, và yêu nước. Anh ta tin chắc như đinh đóng cột rằng, “vị cứu tinh” Hoa Kỳ, chú Sam, thế nào cũng quật ngã được “con rồng” Cộng sản Việt Nam. Thế rồi, anh ta đã được tung vào một “địa ngục”, một đơn vị tình báo mà người chú của anh, đại tá Francis Sands, chỉ huy. Tại đây, Skip nhanh chóng vỡ mộng. Cả hai chú cháu chẳng bao lâu đã hiểu ra rằng những nhiệm vụ mà họ thi hành đã được “điều khiển từ xa” và “từ rất cao”. Và đó thuần túy chỉ là những hành động hèn hạ, bất nhân tâm, nhớp nhúa và đồi bại. Tree Of Smoke được xếp vào hàng những quyển sách hay cùng chủ đề, với những trang viết vẫn tiếp tục làm tổn thương nước Mỹ.
Nỗi kinh hoàng dưới những thảm xanh
Với Meditation In Green, nhà văn Canada Stephen Wright, một cựu binh tại Việt Nam, đã cho ra đời một quyển tiểu thuyết đầy sức thuyết phục. Một bài tường thuật mà trong đó thái độ vô liêm sỉ đan xen với những hành động dại dột của các viên sĩ quan có mặt trên chiến trường. Quyển tiểu thuyết đã kể lại sinh hoạt thường nhật của một toán tình báo Mỹ co cụm lại để hút cần sa, giữa rừng già. Và quả thật, tất cả họ chẳng khác gì một lũ gàn dở, như viên đại úy Fry đang "thưởng thức" khẩu phần ăn của mình được đựng trong chiếc hộp sọ khoét rỗng của một "VC" (Việt Cộng)!
Họ, những đao phủ trong rừng già tại Việt Nam. Và trong đơn vị đó, anh lính James Griffin đã phải vất vả và tự đấu tranh với bản thân để giữ được một tinh thần bình yên. Sau này, khi quay trở về Mỹ, anh đã tìm cách quên đi cuộc chiến đó bằng cách nghiên cứu đời sống của những gốc cây xanh mà anh trồng quanh nhà. Khép sách lại, có thể chúng ta vẫn còn suy gẫm rất nhiều về Meditation In Green. Có giả tưởng chăng? Có thực tế chăng?
Norman Mailer: "Tại sao chúng ta có mặt tại Việt Nam?"
Một cái tựa đầy chất chính trị cho một tác phẩm văn chương. Tác giả đã kéo người đọc vào một thế giới mà trong đó hoàn toàn không có hình ảnh của cuộc chiến Việt Nam, mà chỉ là một câu chuyện kể về một chuyến đi săn đáng sợ trên miền núi của vùng Alaska, với những nhân vật chính là cậu bé 18 tuổi, hiện thân cho sự điên cuồng của một nước Mỹ và người cha - Rusty - một bông hoa độc xuất thân từ giới thượng lưu ở Dallas. Tuy nhiên, nếu không hiểu sự dính líu quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam thì khó mà hiểu được quyển sách này, và ngược lại, nếu không có quyển sách này thì không dễ gì hiểu được cuộc phiêu lưu của người Mỹ tại châu Á…
Và một quá khứ mang tên "Việt Nam"
Nhà văn Canada David Bergen đã nghiên cứu tỉ mỉ sự ăn năn hối hận của một người lính Mỹ, với quyển truyện mang tên The Time In Between. Một quyển tiểu thuyết lột tả thật nhất tâm lý của người lính Mỹ gây nên nỗi xót xa nơi độc giả. Nhà văn đã đi sâu phân tích những vết thương từ cuộc chiến tranh Việt Nam trong lòng nước Mỹ, và cũng đã mô tả những nỗi đau từ hai phía: từ một dân tộc (Việt Nam) là nạn nhân của cuộc chiến và từ những người lính (Mỹ) tham gia cuộc chiến ấy.
Từ cuộc giết chóc nhẫn tâm này, nhân vật chính của cuốn truyện, Charles Boatman, đã luôn bị ám ảnh bởi đây là một cuộc chiến quá phi nghĩa, mà trong đó, anh đã giết chết một đứa bé vô tội ngay trước túp lều của cậu ta trong một ngôi làng tại Quảng Ngãi. Chính hành động này đã dày vò Charles suốt 30 năm. Cuối cùng, anh đã quyết định trở lại Việt Nam, để mong tìm được một sự tha thứ. Song, anh đã chết và mất tích. Hai người con của Charles là Jon và Ada sau đó cũng đã đến Việt Nam tìm dấu vết cha mình. Quá khứ và hiện tại đã được dệt nên trong quyển tiểu thuyết này, như một thước đo về những tác hại của những di chứng chiến tranh truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ lục địa này sang lục địa khác.
Thực ra, nhà văn David Bergen, 48 tuổi, không hề đến Việt Nam trong bộ đồ lính. Nhưng vào năm 1996, ông tình nguyện đến Việt Nam dạy tiếng Anh thông qua tổ chức Mennonite của Canada. Tuy công việc dở dang, ông, vợ và 4 đứa con đã sống 6 tháng ở Đà Nẵng. Ông kết thân với nhiều nghệ sĩ Việt Nam và ghi lại những quan sát, ý nghĩ và cảm xúc của mình.
Ban đầu ông định dùng tư liệu đó để viết, một cuốn sách tư liệu về Bảo Ninh, tác giả cuốn Thân phận của tình yêu. Nhưng ông không có dịp gặp Bảo Ninh và cuối cùng The Time In Between đã ra đời. Bergen cũng biết rất rõ những cuốn sách và phim Mỹ có đề tài về cuộc chiến Việt Nam và những hệ lụy của nó. Nhưng ông có cách tiếp cận khác: "Một lẽ, tôi là người Canada; một kẻ ngoài cuộc nhìn vào hai nền văn hóa khác biệt đang xung đột với nhau".
Điều mà ông quan tâm là thái độ của người Việt đối với chiến tranh. Ông không chỉ viết về nhân sinh quan đầy dằn vặt của một lính Mỹ mà cả con cái của người này và những người Việt mà họ gặp gỡ. Khi Ada Boatman đến ngôi làng nơi cha mình giết chết một cậu bé và cầu khẩn người bạn đường Việt Nam hỏi một ông lão trong làng xem có còn nhớ về những gì từng xảy ra, ông lão đã không hề muốn nhớ lại chuyện cũ. Và người bạn đường của Ada nói với cô rằng thời gian như các lớp chồng chất lên nhau, lớp sau chôn chặt lớp trước.
The Time In Between là một quyển tiểu thuyết "đẹp" và nhân bản, vừa kể lại câu chuyện của một gia đình, vừa là một bộ phim tài liệu tái hiện lịch sử, và đối với nhà văn David Bergen, ông đã làm được một việc lớn, một "nhiệm vụ cho ký ức của tương lai". The Time In Between đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Ở lưng chừng thời gian.
Ảnh bìa :Tác phẩm Dispatches của
Michael Herr